CHIA SẺ

Cả hai truyền thống Pāli và Phạn đều nói về năm triền cái (nīvaraṇa) và thuốc giải độc chúng là chánh niệm tỉnh giác ngay từ đầu.

Dục vọng (kāmacchanda) tạo ra ham muốn và chấp thủ. Trong khi trải nghiệm cảm giác khoái cảm về bản thân nó không phải là “xấu” nhưng sự tưởng nhớ nó, làm tâm trí tán loạn khỏi sự thực hành tâm linh là xấu. Quán tưởng vô thường và bản chất không thỏa mãn của khoái lạc giúp làm dịu tâm trí chúng ta. Ham muốn tình dục là mong muốn mạnh mẽ nhất của con người, và nó có thể rất mất tập trung.

Quán chiếu không ngừng các bộ phận của cơ thể để thấy sự không hấp dẫn của chúng là một phương pháp hiệu quả để chống lại nó.

Ác tâm (vyāpāda) có thể nảy sinh nơi một người đang bị đau nơi cơ thể hoặc tinh thần, cô đơn hoặc ý tưởng, âm thanh, ý nghĩ đang bị chi phối, v.v… Thiền về tình thương hay sự dũng cảm là thuốc giải độc. 

Chứng mệt mỏi và hôn trầm (thīnamiddha, styānamiddha) thể hiện rõ ràng ở thể chất và tinh thần. Chứng mệt mỏi là một sự nặng nề của tâm. Tâm trí thiếu năng lượng, chán nản, lừ đừ bị kẹt trong sương mù không có lối thoát. Hôn trầm là muốn ngủ nhưng nó không liên quan đến việc thiếu ngủ hoặc bị mệt mỏi về thể chất. Trầm tư về phẩm chất của Tam Bảo, sự quý giá đời sống con người của chúng ta, cơ hội của chúng ta được tu dưỡng những phẩm chất tinh thần tuyệt vời, và tiếp thêm sinh lực cho tâm trí. Quán tưởng ánh sáng mặt trời rực rỡ tràn ngập chúng ta và xua tan bóng tối tinh thần cũng rất hữu ích.

Trạo cử và hối hận (uddhaccakukkucca, uddhatyakaukṛtya) đưa tâm rơi vào quá khứ hoặc tương lai. Trạo cử là một trạng thái tinh thần phấn khích hoặc bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, và e ngại. Hối hận là một cảm xúc không thoải mái mà chúng ta đã làm một điều không nên làm hoặc đã không làm điều gì đó mà chúng ta nên làm. Chúng ta nên tập trung vào hơi thở hoặc bất kỳ đề mục nào khác có thể làm dịu tâm trí, phấn khích, bồn chồn và lo lắng. Tác ý vào giây phút hiện tại cũng rất hữu ích như: chúng ta đang ngồi trong một nơi an toàn, nuôi dưỡng đức hạnh và tập trung vào đối tượng thiền của chúng ta.

Nghi ngờ (vicikicchā, vicikitsā) liên quan đến việc nghi ngờ khả năng của mình, giáo lý, hay khả năng thực hiện các mục tiêu tinh thần của chúng ta. Sau khi xác định thì tinh thần hết mơ hồ, đưa tâm trí chúng ta trở lại đối tượng thiền định. Nghi ngờ này khác với tâm trí đạo đức muốn tìm hiểu và học hỏi như khi chúng ta nghi ngờ vì chúng ta không hiểu một chủ đề tốt, chúng ta nên đi đến một bậc đạo sư và xin giúp rõ vấn đề.

Đức Phật dạy năm phương pháp để huấn luyện tâm trí khi chúng ta mất đi đối tượng thiền của mình (MN 20). Khi một triền cái không quá mạnh, chỉ cần tác ý trở lại tâm trí cho đối tượng thiền là đủ. Nhưng khi điều đó không hiệu quả, chúng ta phải tạm thời rời bỏ đối tượng thiền định và suy nghĩ về một chủ đề khác để chủ động chuyển hóa lại triền cái và đưa tâm trở lại trạng thái cân bằng. Thuốc chống trầm cảm để áp dụng theo thứ tự là: 

(1) Chú ý đến một đối tượng đúng đắn khác. Hãy quán chiếu ngược lại suy nghĩ hoặc cảm xúc đang phân tâm.

(2) Quán chiếu sự nguy hiểm và các việc không thuận lợi của những suy nghĩ đó. 

(3) Đừng chú ý đến những suy nghĩ đó và làm điều gì khác. 

(4) Tác ý vào những suy nghĩ. Ví dụ như hãy tự hỏi mình: “Tất cả những yếu tố dẫn đến suy nghĩ và cảm xúc đang xuất hiện trong tâm trí này của chúng ta là gì?” Quan sát những suy nghĩ này từ từ tan cho đến khi biến mất yên lặng. 

(5) Thay thế một trạng thái tinh thần không tốt bằng trạng thái tâm đạo đức.

Bằng cách sử dụng các biện pháp đối phó này một cách nhất quán và đúng cách, chúng ta có thể trở lại đối tượng thiền định của chúng ta và giảm những trở ngại. Theo thời gian tâm sẽ trở nên lắng đọng, trụ một chỗ và tập trung. 

Khi tu tập năm thiền chi sẽ đạt được sự khinh an nhất tâm, đánh dấu hành giả bước vào trạng thái sơ thiền (jhāna).

  • Tầm (vitakka, vitarka): tâm hướng tới đối tượng cần quan sát. 
  • Tứ (vicāra) là tâm đi sâu, suy xét kỹ đối tượng. Nhờ đó,  không còn nghi hoặc. Tầm là biết tìm tiếng chuông, trong khi tứ là sự kết hợp tinh tế với sự cộng hưởng của âm thanh.
  • Hỷ (pīti, prīti) là tâm cảm thấy vui vẻ, không còn sân giận. Do tâm lắng sâu xuống, thanh bình.
  • Lạc (sukha) là tâm cảm thấy vui vẻ, không còn hối tiếc lăng xăng. Sự hỷ lạc phát sinh liên tục, do sự nhập thiền trở nên tinh tế hơn và sự tập trung sâu hơn. Hỷ lạc là kết quả của tầm và tứ. Hỷ lạc là trạng thái vui thô thiển hơn khi so với lạc là niềm hạnh phúc, yên tĩnh và khinh an.
  • Nhất tâm: (ekaggatā, ekāgratā) tâm chuyên chú vào một điểm, tức là đối tượng được lựa chọn để quan sát. Tâm không còn bị phân tán, tán loạn. Đó là sự tĩnh lặng thư giãn của tâm trí an trú chỉ một việc vào đối tượng thiền định.

Khi thiền sinh tiếp cận với sơ thiền (jhāna), sẽ tăng cường năm thiền chi này theo tuần tự. Khi tất cả năm thiền chi đều có mặt và cùng nhau thâm nhập vào tâm tĩnh lặng thì lúc đó, sơ thiền (jhāna) sẽ đạt được. 

Năm thiền chi này phải kiên nhẫn tu tập. Chúng ta không thể tự mình đạt được sự tập trung hoặc không thể tiếp cận với sự tập trung hoàn toàn. Nếu chúng ta nỗ lực nhất quán thực hành năm thiền chi và khi thành tựu mạnh mẽ, tâm sẽ tự thâm nhập chúng hoàn toàn.

Một tâm với định giống như một căn phòng chỉ có một cái ghế. Khi chiếc ghế bị chiếm giữ, một khách mời đến phòng bỏ đi ngay lập tức vì không có chỗ cho anh ta ngồi. Tương tự, khi định (samādhi) tập trung chuyên nhất vào đối tượng thiền định, thì những tư tưởng khác không thể ở lại trong tâm trí.

Định lực không loại trừ các triền cái và phiền não bởi chúng ngăn chặn các hình thức biểu hiện của thiền. Chỉ có trí tuệ phát triển bằng cách hợp nhất giữa thiền chỉ và thiền quán sâu sắc mới có thể diệt trừ chúng hoàn toàn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14th & Ni Sư Thubten Chodron
Việt dịch: Ni Sư Thích Giới Hương & Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh
Nguồn: Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống