CHIA SẺ

Các truyền thống Pāli và Phạn ngữ đã trình bày nhiều điểm giống nhau về các hướng dẫn để được thiền chỉ, chỉ có chút khác biệt như được giải thích dưới đây: 

Về thiền định nói chung, chúng ta có thể nói về hai tiến trình: chỉ và quán – và hai loại thiền định: chỉ và quán. Chỉ: chủ yếu được sử dụng định để phát triển sự tĩnh lặng và quán: tuệ tri phân biệt quán chiếu để phát triển tuệ tri sâu sắc. Sự khác biệt giữa sự thiền chỉ và thiền quán không chỉ nằm trong đối tượng thiền mà chúng còn là cách để tâm thâm nhập với đối thể. Thiền chỉ tập trung vào đối tượng một cách rõ ràng, trong khi thiền quán tuệ tri phân tích nó một cách sâu sắc.

Các yếu tố bên ngoài – độ cao, nhiệt độ, thời gian trong ngày và sức khỏe thể chất – ảnh hưởng đến khả năng thiền của chúng ta. Nếu không có điều kiện tốt, chúng ta có thể phát triển một vài sức định đó nhưng không phải hoàn toàn tĩnh lặng. Vì vậy, chúng ta nên tìm môi trường thích hợp trong và ngoài cho việc hành thiền. Ngài Vô Trước (Asaṅga) và Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) khuyến khích chúng ta có những điều kiện sau đây khi thực hiện khóa tu để phát triển thiền chỉ và nhiều thiền sinh đã có thể hành thiền hàng ngày.

Thứ nhất, hãy sống trong một nơi yên tĩnh, thanh bình, an toàn với nước và không khí trong sạch, nơi chúng ta có thể đảm bảo dễ có thực phẩm, quần áo và chỗ ở. Hãy ở gần những thiền sư, đạo sư, hoặc những người bạn Pháp hữu, những người có thể giúp đỡ nếu có những vấn đề hoặc triền cái khởi lên. Trước khi bắt đầu khóa tu, phải có một sự hiểu biết rõ ràng, chính xác về cách thực hành và khắc phục những khó khăn có thể nảy sinh. Ngoài ra, không khởi ham muốn ái dục và an vui hài lòng với những gì đang có. Tránh tham gia vào các hoạt động thế gian hỗn loạn. Cuối cùng, quan sát hành vi đạo đức thuần túy, giữ gìn các giới luật mà chúng ta đã nhận được và từ bỏ mười điều ác.

Ý nghĩa thực sự của “sống ẩn dật” là liên quan đến việc từ bỏ những trói buộc của luân hồi (saṃsāra): từ bỏ những tư tưởng của quá khứ và tương lai và từ bỏ ham muốn dục lạc đối với các trần hiện tại (MN. 21:10). Nếu không có những điều này, sự kiêu ngạo của chúng ta có thể tăng lên bằng cách sống trong một nơi cô lập và nghĩ rằng: “Người khác nên khen ngợi tôi và cúng dường vì tôi là một thiền sư vĩ đại đang làm những gì người khác không thể làm được”. Chúng ta có thể đã từ bỏ thức ăn ngon nhưng thay vào đó lại nuôi dưỡng sự kiêu ngạo của mình!

Điều quan trọng là phải thực hành một cách nhất quán và tránh kỳ vọng quá lớn lao cho kết quả nhanh. Các buổi thiền ngắn rất được khuyến khích; ngồi thiền lâu khiến tâm trí thắt chặt, gây trở ngại cho thiền định. Khi tâm trở nên ổn định, các buổi thiền hành sẽ được tăng lên từ từ. Tham gia vào các hoạt động thích hợp trong thời gian nghỉ giữa các buổi sẽ giúp tâm trí mới mẻ trong buổi thiền tới.

Tư thế và đối tượng thiền 

Có tư thế thiền của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) để làm thẳng các đường năng lượng tinh tế trong cơ thể chúng ta, cho phép năng lượng gió (pāṇa, prāṇa) trôi chảy, làm cho tâm trở nên rõ ràng và trầm tĩnh hơn. 

  • Ngồi trên đệm với đôi chân trong vị trí kim cương (vajra): chân trái trên đùi phải và chân phải trên đùi trái. Các vị trí chéo khác không làm chéo đầu gối cũng tốt. Nếu không thể ngồi chéo chân, chúng ta cũng có thể ngồi trên một băng ghế nhỏ hoặc trong một chiếc ghế thẳng lưng với bàn chân để bằng phẳng trên sàn đạo tràng.
  • Đặt tay phải trên bàn tay trái. Hai ngón tay cái chạm nhẹ và đặt tay vào lòng, gần rốn của chúng ta. Một số thiền sư khuyên nên đặt tay úp xuống trên đầu gối. 
  • Giữ cho vai ở mức cao.
  • Làm thẳng lưng. 
  • Hơi nghiêng đầu, nhưng đừng cúi xuống quá.
  • Giữ đôi môi và răng tự nhiên. Lưỡi nên ở trên vòm miệng để ngăn ngừa khát nước cũng như nước bọt thừa. 
  • Hướng mắt nhìn mũi của chúng ta. Nếu điều này là khó khăn, thì chúng ta hướng xuống dưới, nhưng không tập trung vào bất cứ đối tượng nào. Giữ đôi mắt mở ra một chút khi thiền định để ngăn ngừa buồn ngủ. Vị trí của mắt có thể khác nhau tùy theo cách chúng ta tu tập. Vị trí thân thể nên vững chắc và thoải mái.

Bắt đầu buổi thiền định bằng cách quy y Tam Bảo và phát Bồ đề tâm (bodhicitta). Tụng các bài kinh để khởi đầu và nguyện các bậc thầy hướng dẫn tinh thần và Tam Bảo khai thị để nâng cao tâm trí trong khóa tu. Khi hoàn thành khóa tu, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh.

Trong khi bất kỳ đối tượng nào, bên trong hoặc bên ngoài, ban đầu có thể được sử dụng để tu tập thiền chỉ, đối tượng cuối cùng hoặc thực tế phải là một trong những nhận thức của ý thức tinh thần. Bởi vì thiền định được phát triển với tâm ý, chứ không phải là ý thức vọng tưởng. Mặc dù trước tiên chúng ta có thể quen với đối tượng bằng cách nhìn vào nó, chúng ta suy gẫm nó với tâm ý của chúng ta. 

Vì chúng sinh có nhiều khuynh hướng khác nhau, nên Đức Phật đã mô tả có bốn loại đối tượng thiền chỉ: 

i. Các đề mục mở rộng được gọi như vậy vì chúng được sử dụng cho sự phát triển của sự an lạc và trí tuệ sâu sắc. 

ii. Các đề mục để tịnh hóa các hành vi đối xử được thực hiện phù hợp với tính cách của mỗi chúng ta và giúp chúng ta chống lại với thói quen phiền não. Những người có khát vọng lớn quán chiếu các khía cạnh xấu của đối tượng chấp trước của họ. Có người hay tức giận thì thực hiện thiền định trên tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, và xả). Có người hay bị tán loạn thì quán lý nhân duyên, trong khi người hay kiêu ngạo thì quán ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), mười hai xứ (sáu căn và sáu trần) và mười tám pháp (sáu căn, sáu trần và sáu thức). Các đề mục này đặc biệt sẽ minh họa cho thấy lý vô ngã, không có cái tôi độc lập. Còn người hay vọng tưởng thì quán sổ tức, tập trung định về hơi thở để làm dịu tâm trí.

iii. Các đề mục của sự quan sát uyển chuyển được gọi như vậy bởi vì có kỹ năng hoặc hiểu biết về chúng sẽ giúp chúng ta giác ngộ tánh không (Sunna, Sunyata). Những đề mục này là ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), mười hai xứ (sáu căn và sáu trần) và mười tám pháp (sáu căn, sáu trần và sáu thức), mười hai nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử) và các kết quả thích hợp và không phù hợp của các nghiệp chướng khác nhau. 

iv. Các đề mục để tịnh hóa phiền não sẽ giúp tinh lọc các đau khổ thô và tế trong ba cõi bằng cách tạm thời ức chế chúng – điều này sẽ xảy ra khi chứng nghiệm các tầng thiền là còn thô trong khi các tầng thiền cao là an lạc – hoặc nhổ gốc khổ bằng cách thông qua hành thiền trên mười sáu thuộc tính của bốn chân lý (khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế). 

Ngoài bốn đề mục này, còn vài đề mục khác cũng có thể được sử dụng để tu tập thiền chỉ. 

Bản chất thông thường của tâm là rõ ràng và thức tỉnh. 

Quán tâm trên tâm” có nghĩa là chỉ có tâm mà thôi, chẳng có người hay chúng sanh nào điều khiển hay làm tác nhân cả. Để thực hành điều này, chúng ta cần phải biết tâm là gì và có thể xác định nó. Phải chánh niệm, biết rõ khi tâm bị phân tán, che khuất và mờ dần bởi các đối tượng bên ngoài hay các ý niệm vọng tưởng bên trong. Khi nó có thể được nhìn thấy một mình, những phẩm chất của nó về sự rõ ràng (quán chiếu các đối tượng phát sinh trong khía cạnh của chúng) và nhận thức (biết đối tượng) trở nên rõ ràng.

Để xác định tâm, hãy nhìn một vật bằng một màu đồng nhất, và tập trung tâm đang cảm nhận màu đó. Ngay lập tức xác định bất kỳ các tán loạn có thể nảy sinh và trả lại sự tác ý của chúng ta vào bản chất tỉnh thức rõ ràng của tâm. Khi thực hành điều này, dần dần sự phiền nhiễu sẽ chấm dứt, và chúng ta sẽ nhận thức được một trạng thái ổn định, rõ ràng của tâm.

Khi tâm trí có thể an trú trong hiện tại, không bị xáo trộn bởi những tư tưởng của quá khứ và tương lai, chúng ta liền trải nghiệm một sự an tĩnh vắng lặng bởi chúng ta đã loại bỏ được tâm thức bị buộc vào các trần bên ngoài. Sau một thời gian, trải nghiệm an trú vào hiện tại này càng tăng, chúng ta sẽ thấu hiểu bản chất rõ ràng và giác biết của tâm. Đây là tâm, là đối tượng thiền để phát triển thiền chỉ về bản chất thông thường của tâm.

Các thực hành về đại ấn (mahāmudrā) và dòng tuệ giác trực tiếp (dzogchen) đều nhấn mạnh quán tâm để tu luyện thiền chỉ.

Việc sử dụng tâm làm đối tượng tác ý là một thử thách bởi vì nó vô tướng, chúng ta có thể dễ dàng hiểu lầm thiền định chỉ dựa vào quan niệm vô sắc hoặc rơi vào trạng thái trống không ngu ngơ. Trong cả hai trường hợp này, chúng ta đã mất đi đối tượng thiền định.

Không (emptiness, suññatā) như là đối tượng để tu tập thanh thản chỉ dành cho những người có khả năng tinh tế vượt trội, để giác biết sự trống rỗng vô nghĩa. Tạm thời có thể hiểu là họ tập trung vào sự trống rỗng như đã hiểu qua khái niệm. Ở đây, có một số nguy cơ rằng nếu họ thiếu sự xác định rõ ràng về không, thì họ sẽ dễ rơi vào trạng thái ngu ngơ như hư không.

Để thuận lợi, nhiều thiền sư đã đề xuất lấy hình tượng Đức Phật làm đối tượng để tu tập thiền chỉ. Điều này giúp chúng ta quán chiếu lại những phẩm hạnh, trí huệ, công đức, và pháp tu khác của Đức Phật để làm đề tài quán tưởng về Đức Phật.

Bắt đầu bằng cách nhìn vào một hình ảnh của Đức Phật hoặc nhớ đến về một đoạn văn mô tả sinh động về ngài. Hãy hạ thấp đôi mắt xuống và trong không gian trước mặt, chúng ta hãy nhìn Đức Phật như một sinh vật ba chiều với thân thể được làm bằng sắc vàng rực rỡ. Quán tưởng một hình sắc nhỏ khiến tâm trí tỉnh táo giác biết hơn; hình dung ra một thân sắc vàng mà ánh sáng rực rỡ giao hòa lẫn nhau (laya); quán tưởng rằng sự chú tâm nghiêm túc sẽ ngăn chặn những trạng thái tâm quá khích hay tán loạn.

Quán các tướng hảo của Đức Phật, sau đó tập trung duy nhất vào một tướng của cơ thể như một tổng thể. Nếu hình ảnh tan ra, hãy quán các tướng hảo khác và sau đó duy trì sự tác ý trên toàn bộ của cơ thể. Nếu một phần cơ thể của Đức Phật đã xuất hiện rõ ràng, hãy tập trung vào điều đó, và khi nó biến mất, hãy chú ý đến toàn bộ cơ thể. Đừng cố gắng khư khư quán chi tiết trước khi tập trung vào hình ảnh.

Thở là một đối tượng thiền tốt. Bằng cách tập trung vào hơi thở trong một thời gian dài, tâm trí trở nên an tĩnh và ổn định, mang lại sự nhẹ nhàng từ những phiền não. 

Trước khi nghiêm túc tu tập để đạt sự an lạc, chúng ta cần phải chế ngự bất cứ phiền não mạnh nhất nào, để nó không xâm phạm khi chúng ta hành thiền. 

Theo lời hướng dẫn này, tâm trí của chúng ta sẽ uyển chuyển hơn khi thiền quán, và hành vi đạo đức cũng như tâm lý cũng sẽ được cải thiện. Một trạng thái tâm ổn định hơn sẽ tạo cơ hội để phát huy năng lực thiền định, Bồ đề tâm và trí tuệ.

Trong khi tu tập sự thiền chỉ, chúng ta nên sử dụng một đối tượng thiền mà không thay đổi nó trong mỗi buổi hành thiền. Trong một khóa tu để đạt được thanh thản, chủ yếu là ổn định tâm (chỉ), nếu có sự phân tích nhỏ của ý thức sẽ cản trở sức tập trung. Sau khi đạt được sự thanh thản, thiền sinh bắt đầu thực hiện phân tích để kết hợp với sự khinh an và tuệ tri và tại thời điểm này phân tích không làm phiền sức tập trung.

Năm lỗi lầm và tám hạnh đoạn 

Biện trung biên luận (Madhyāntavibhāga) của Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) nói về năm chướng (lỗi lầm) cản trở sự thanh thản phát triển và tám hạnh đoạn để loại bỏ chúng. 

1) Làm biếng (kosajja, kausīdya) có thể có ba loại: ngủ và nằm nhiều, làm các hoạt động trần tục (samssāric) vô ích và chán nản. Thuốc giải độc (hạnh đoạn) cho sự lười biếng là sự tinh tấn, nhưng chúng ta phải mất một thời gian để củng cố yếu tố tinh tấn này bằng cách sử dụng ba loại hạnh đoạn khác là sự tin tưởng những lợi ích của khinh an từ năng lực thiền. Từ sự tin tưởng, dục (ý hướng tốt, chanda) dễ dàng phát sanh và muốn có được những lợi ích của thiền lạc. 

Từ khát vọng tốt dẫn đến tinh cần là một yếu tố tinh thần phấn chấn nỗ lực tập thiền. Bằng cách loại bỏ sự phấn khích và xao lãng chúng ta sẽ phát huy được hạnh tinh tấn, một yếu tố tinh thần tự do khỏi trạng thái hôn trầm, đau khổ và nặng nề cả tinh thần và thể chất. Với sự tinh tế về thể chất và tinh thần, cơ thể của chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và linh hoạt, và chúng ta có thể trú tâm bất cứ điều đạo đức gì mà chúng ta chọn, sẽ không khó khăn.

2) Quên lời hướng dẫn là mất đi đối tượng thiền định. Tâm trí xa đối tượng và đi đến các đối tượng của chấp trước, tức giận, v.v… Lỗi này xảy ra chủ yếu ở bốn giai đoạn đầu của sự tác ý như sẽ được giải thích dưới đây. Thuốc giải độc (hạnh đoạn) là chánh niệm, một yếu tố tinh thần quen thuộc với đối tượng thiền và trú tâm trên đối tượng theo cách sao cho nó loại trừ sự phân tâm và quên lãng. Để phát triển chánh niệm mạnh mẽ trong thiền định, việc tu tập chánh niệm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống là rất quan trọng. 

3) Bởi vì sự phấn khích và xao lãng có cùng một loại thuốc giải độc là rõ biết nội tâm (nội quán), nên chúng được nhóm lại với nhau như là lỗi thứ ba. Sự nhất tâm có hai đặc điểm, sự ổn định và rõ ràng. Tâm ổn định là khả năng an trú ở đối tượng thiền. Phấn khích là sự chướng ngại chính cho tâm ổn định bởi vì nó làm cho tâm trở nên rối rắm với những đối tượng của chấp trước. Với sự phấn khích thô, chúng ta sẽ lạc mất hoàn toàn đối tượng thiền định. Với sự phấn khích tinh tế, đối tượng thiền không bị mất hoàn toàn, nhưng chúng ta không thể thực hiện nó một cách toàn tâm vì một đối tượng của chấp trước sẽ xuất hiện trong tư tưởng của chúng ta.

Sự rõ ràng là tâm trí trong sáng giác biết các đối tượng thiền định; trở ngại chính của rõ ràng là sự xao lãng, làm giảm cường độ của sự giác biết khiến các hình thức của tâm quán biết các đối tượng trở nên lỏng lẻo. Xao lãng khác với hôn trầm (thīna, styāna). Hôn trầm là cơ thể và tâm trí gần như đi vào giấc ngủ và khiến chúng ta mất đi sự an trú và giác biết. Với sự xao lãng thô, có một sự ổn định trên đối tượng, nhưng sự giác biết đã giảm và đối tượng không còn xuất hiện rõ ràng nữa. Tâm không có năng lực và vẫn ở trạng thái mơ hồ với một cảm giác chấp nhận, mặc dù nó không bị phân tâm bởi một đối tượng khác.

Sự xao lãng tinh tế thì đặc biệt nguy hiểm và khó nhận biết vì nó tương tự như trạng thái thiền (samādhi) vì cả hai đều có tính ổn định và rõ ràng, tâm trí yên bình và trải nghiệm cảm giác an vui. Mặc dù trạng thái giác biết vẫn còn và tâm trí có thể an trú triệt để trên đối tượng hoặc tâm quá thoải mái, nắm bắt đối tượng quá lỏng lẻo. Hơi thở của thiền sinh có thể dừng lại, và có thể ngồi thiền trong nhiều ngày để tin rằng thiền sinh đã đạt được thiền chỉ; nhưng thật ra đã lạc vào tình trạng lơi lỏng xao lãng tinh vi.

Chánh niệm và nội quán làm việc cùng nhau để loại bỏ các lỗi. Chánh niệm duy trì và ghi nhớ đối tượng của thiền định, trong khi nội quán đánh giá xem sự phấn khích hay sự lỏng lẻo đã nảy sinh khiến gián đoạn sự tập trung. Mặc dù nội quán được coi là thuốc giải độc cho sự phấn khích và lỏng lẻo, nhưng nó không phải là thuốc giải độc thực tế; Nó chỉ cho chúng ta biết chúng ta cần áp dụng thuốc giải độc. Ở đây, nội quán giống như một gián điệp, đôi khi kiểm tra để xem nếu lỗi lầm đã nảy sinh. Nếu không, hãy tiếp tục thiền định. Nếu có, thì chúng ta hãy áp dụng thuốc giải độc cụ thể cho lỗi đó.

Đối với sự phấn khích thô, thuốc giải độc là làm cho tâm tỉnh táo hơn khi quán về vô thường, cái chết, hoặc những khổ đau của luân hồi (saṃsāra). Cách chữa trị cho sự phấn khích tinh tế là để thư giãn các cường độ tập trung một chút, nhưng không nhiều đến nỗi mất đối tượng. Thuốc giải độc cho sự lỏng lẻo thô là mở rộng phạm vi của đối tượng, làm cho nó sáng hơn và tinh tế hơn về các chi tiết. Nếu sự xao lãng thô kéo dài, chúng ta tạm thời rời đối tượng thiền định, và nâng cao quán chiếu về chủ đề như cuộc sống con người quý báu, lợi ích của thiền định, phẩm hạnh của Bồ đề tâm, hoặc Tam Bảo. Khi có sự lỏng lẻo tinh tế, chúng ta tác ý trên đối tượng thiền một cách vững chắc.

4) Không đoạn (anabhisaṃskāra) có nghĩa là chúng ta không áp dụng các hạnh đoạn chống lại khi chúng ta biết sự phấn khích hoặc sự lỏng lẻo đang có mặt. Thuốc giải độc là dùng phương thuốc thích hợp cho bất cứ lỗi nào đã xảy ra và nỗ lực để loại bỏ nó.

5) Đoạn quá mức là quá mức áp dụng thuốc giải độc cho sự phấn khích và sự lỏng lẻo khi chúng không xảy ra hoặc khi chúng đã được loại bỏ. Thuốc giải độc của nó là xả, nơi mà sự nỗ lực được giảm xuống.

Có thể nhận ra trong chính kinh nghiệm của chúng ta, khi các yếu tố tinh thần làm gián đoạn sự tập trung và hỗ trợ thiền là điều cần thiết. Cần phải có thời gian và nội quán để quan sát ý nghĩ của chúng ta hoạt động như thế nào, nhưng khi chúng ta làm, Pháp sẽ trở nên hiện hữu sống động nơi chúng ta.

Chín Giai đoạn Duy trì Sự Tác ý Bồ tát Di Lặc (Maitreya) đã vạch ra chín giai đoạn của sự tác ý vững chắc được thực hiện tuần tự để đạt được thiền chỉ. Một số lỗi nhất định sẽ xuất hiện ở mỗi giai đoạn, do đó sẽ có các thuốc giải (hạnh đoạn) cụ thể được nhấn mạnh trong từng giai đoạn. Để tiến triển qua các giai đoạn này, chúng ta phát triển sáu lực (bala) và bốn tác ý (manaskāra). 

1) Tầm (cittasthāpana): mục đích của chúng ta là tìm ra đối tượng thiền định và vận dụng tâm vào nó, mặc dù tâm không thể an trú ở đó lâu dài. Giai đoạn này được thực hiện bởi sức mạnh của văn (śruti), vì chúng ta học về tu tập thiền chỉ và quán tâm trên đối tượng theo sự chỉ dẫn của thiền sư. Sự hiện diện của tác ý (balavāhana) được sử dụng vì phải nỗ lực rất nhiều để làm cho tâm trí ở lại đối tượng.

2) Tứ (pravāhasaṃsthāpa): sức mạnh của tư duy (āsaya) về đối tượng để thu thập tâm trí và liên kết nó với đối tượng ít nhất trong một thời gian ngắn. Sự tác ý vẫn cần thiết được giữ để tâm trí an trú vào đối tượng, nhưng bây giờ tâm trí không phải là ngay lập tức bị phân tâm và có thể ở lại trên đối tượng hơi lâu. 

3) Giác biết (pratiharaṇa): sự phân tâm ít hơn và khi chúng phát sinh, chúng ta có thể nhận ra chúng một cách nhanh chóng và đưa tâm trở lại đối tượng. Do phát triển năng lượng của chánh niệm trong hai giai đoạn (tầm và tứ) trước đó, nên tâm trí dễ dàng trở lại đối tượng thiền định. Sự gián đoạn (sacchidravāhana) có xuất hiện ở giai đoạn thứ ba đến thứ bảy bởi vì sự tập trung không liên tục. 

4) Chú tâm trọn vẹn (upasthāpana): chánh niệm được tạo ra khi bắt đầu đến giai đoạn chú tâm trọn vẹn này và sự tác ý vẫn còn trên đối tượng một cách dễ dàng hơn và sự tán loạn ít hơn. Sự phấn khích và sự xao lãng thô hiện diện, do đó việc tác ý vào đối tượng thiền vẫn bị gián đoạn. 

5) Thuần hóa (damana): tâm trí được thuần hóa – có thể vẫn an trú vào đối tượng gần như liên tục mà không đi lang thang. Sự xao lãng và phấn khích thô không còn là vấn đề nữa. Bây giờ tâm trở nên quá thâm nhập vào đối tượng, và rồi trạng thái xao lãng cũng như phấn khích vi tế xảy ra. Sự tác ý bị gián đoạn bởi sự xao lãng và phấn khích tinh tế, nhưng sự tập trung lại dễ dàng được phục hồi bởi sức mạnh của nội quán thấy biết những lỗi lầm của sự phân tâm vào các trần, vọng tưởng, các tiểu phiền não và các chướng ngăn cản bước tiến tới của thiền sinh. 

6) Tập trung (śamana): thông qua sức mạnh của tập trung nội quán, tất cả những chướng ngại đối với nhất tâm đã biến mất. Trong giai đoạn thứ năm, tập trung đã được thắt chặt để hạn chế tình trạng tán tâm. Bây giờ sự tập trung có thể quá chặt chẽ, gây ra sự phấn khích tinh tế. Sự xao lãng tinh tế có thể thỉnh thoảng vẫn nảy sinh, bởi lẽ cả hai đều liên quan đến sự gián đoạn vào đối tượng. Sức mạnh của nội quán đôi khi có thể giác biết sự phấn khích và sự xao lãng trước khi chúng phát sinh và đối phó với chúng.

7) Tập trung xuyên suốt (vyupaśamana): ngay cả khi những suy nghĩ tinh tế hay những cảm xúc hiện ra, thiền sinh có thể dễ dàng lấy lại sự trầm tĩnh nhờ tập trung xuyên suốt. Sự xao lãng vi tế và sự phấn khích tinh tế đôi khi xuất hiện, vì vậy sự tác ý vẫn bị gián đoạn, nhưng sức mạnh của tinh tấn dễ dàng và nhanh chóng ngăn cản chúng. Chánh niệm, nội quán và tinh tấn được phát triển tốt, nhưng sự không ứng dụng của hạnh đoạn (thuốc giải độc) vẫn có thể xảy ra. 

8) Nhất tâm (ekotīkaraṇa): chỉ cần một chút nỗ lực là để bắt đầu giác biết các chi tiết của đối tượng và duy trì bảo hộ để chống lại sự lỏng lẻo và phấn khích. Sau đó, tâm trí có thể an trú ở trên đối tượng thông qua sức mạnh của nhất tâm, do đó sự tham gia liên tục (niśchidravāhana) được hiện diện. Sự nhất tâm càng mạnh hơn. 

9) Thuần nhất (samādhāna): do sức mạnh của thuần thục (paricaya) với các năng lực trước đó, tâm trí tự nhiên vẫn còn trong định thuần nhất (samādhi). Nỗ lực duy trì chánh niệm và nội quán không còn cần thiết nữa. 

Một khi chánh niệm trên đối tượng và tâm đã nhập vào thiền định, nó dễ dàng trở thành duy nhất chỉ một. Khinh an (anābhogavāhana) hiện diện, và sự thuần nhất được kéo dài trong một thời gian dài. Trong lúc thiền định, ý thức giác quan được hấp thụ hoàn toàn và không còn đáp ứng với các trần hấp dẫn bên ngoài. Đây là trạng thái thiền cao nhất có thể đạt được trong cõi dục giới. Đó là một trạng thái giống thiền chỉ, nhưng thật ra vẫn chưa đạt được trạng thái thiền chỉ một cách hoàn toàn. 

Khi chúng ta trải qua các giai đoạn của thiền (samādhi), sức mạnh của trí tuệ và thiền định gia tăng lên phụ thuộc lẫn nhau, và ngày càng tăng rõ ràng và ổn định, dẫn đến an lạc và hạnh phúc. Thiền sinh sẽ trở nên trẻ trung rạng rỡ, cảm thấy nhẹ nhàng và mạnh mẽ và sự phụ thuộc của chúng ta đối với thức ăn thô đã giảm.

Đức Dalai Lama 14 và Ni Sư Thubten Chodron
Việt dịch: Ni Sư Thích Giới Hương & Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh
Nguồn: Một bậc đạo sư, nhiều truyền thống