CHIA SẺ

Con đường thực hành dẫn đến Niết Bàn chia làm bảy giai đoạn, được gọi là Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc (satta visuddhi).
Theo thứ tự, bảy giai đoạn ấy là:

  1. Thanh Lọc Giới Ðức (Sìlavisuddhi, giới tịnh)
  2. Thanh Lọc Tâm (Cittavisuddhi, tâm tịnh)
  3. Thanh Lọc Quan Kiến (Ditthivisuddhi, kiến tịnh)
  4. Thanh Lọc bằng cách Khắc Phục Hoài Nghi (Kankhàvitaranavisuddhi, đoạn nghi tịnh)
  5. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy thế nào là “Con Ðường” và thế nào là “Không-Phải-Con-Ðường” (Maggàmagganànadassanavisuddhi, đạo phi đạo tri kiến tịnh)
  6. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy Con Ðường (Patipadànànadassanavisuddhi, đạo tri kiến tịnh)
  7. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy (Nanadassanavisuddhi, tri kiến tịnh)

Vào lúc chứng ngộ Niết Bàn, tâm trực tiếp liên hệ đến giai đoạn thứ bảy, tri kiến tịnh — cũng là giai đoạn cuối cùng — của sự thanh lọc tâm, vốn là tuệ giác Siêu Thế của Con Ðường. Tuy nhiên, không thể trực tiếp thành tựu sự thanh lọc này mà không trải qua sáu giai đoạn trước. Vì bảy giai đoạn của sự Thanh Lọc là một loạt những tuệ giác nhân quả liên quan với nhau, không thể thành đạt giai đoạn thứ bảy trước khi trải qua sáu giai đoạn trước.

Trong Tam Tạng kinh điển, chỉ có bài Rathavinìta Sutta (bài kinh về những Trạm Xe), bài kinh thứ hai mươi bốn của bộ Majjhima Nikàya (Trung A Hàm) đề cập đến Bảy Giai Ðoạn của sự Thanh Lọc. Trong bài Dasuttara Sutta, bài kinh số 34, của bộ Dìgha Nikàya (Trường A Hàm), bảy giai đoạn thanh lọc này nằm trong chín pháp gọi chung là “những yếu tố nhằm thanh lọc” (pàrisuddhi padhàniyanga), hai yếu tố này là thanh lọc trí tuệ và thanh lọc sự giải thoát. Dầu sao, loạt bảy giai đoạn thanh lọc này là phần nòng cốt của quyển sách bách khoa về pháp hành thiền trong Phật Giáo Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo) của Ngài Bhadantàcariya Buddhaghosa. Như vậy, loạt bảy giai đoạn này là những nét đại cương ngắn gọn của toàn thể con đường mà một hành giả trải qua trong cuộc hành trình của nội tâm, từ trạng thái bị trói buộc đến giải thoát.

Trong kinh Rathavinìta Sutta, Bảy Giai Ðoạn của sự Thanh Lọc này được trình bày dưới hình thức một cuộc đàm thoại giữa Ðại Ðức Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Ðại Ðức Punna Mantàniputta Thera. Những câu hỏi của Ngài Sàriputta được Ngài Punna giải đáp một cách rõ ràng — tất cả làm sáng tỏ vài điểm nổi bật của giáo thuyết này.

— Này Sư Huynh, dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn có đời sống thánh thiện không?
— Bạch Sư Huynh, có.
— Này Sư Huynh, có phải để thanh lọc giới đức mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Bạch Sư Huynh, không phải để vậy.
— Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc tâm mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
— Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc quan kiến của mình mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
— Vậy, này Sư Huynh, có phải để khắc phục hoài nghi mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
— Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc bằng sự thấu hiểu và nhận thấy thế nào là con đường và thế nào là không-phải-con-đường mà ta sống cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
— Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc bằng sự thấu hiểu và nhận thấy con đường mà cuộc sống thánh thiện được sống dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.
— Vậy, này Sư Huynh, có phải để thanh lọc bằng cách thấu hiểu và nhận thấy mà cuộc sống thánh thiện được sống dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn chăng?
— Không phải để vậy, bạch Sư Huynh.

Tóm lược các điểm trên trong câu chuyện, và nhấn mạnh chiều hướng tiêu cực, Ðại Ðức Sàriputta hỏi: “Này Sư Huynh, như vậy thì mục tiêu của đời sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn là gì?” Và Ðại Ðức Punna trả lời: “Bạch Sư Huynh, chính là để dập tắt hoàn toàn, không mảy may chấp thủ, mà cuộc sống thánh thiện được sống dưới sự hướng dẫn của Ðức Thế Tôn.”

Lời giải đáp này cho thấy rằng chí đến giai đoạn thứ bảy, mức thanh lọc cuối cùng, cũng không được xem là mục tiêu tối hậu của đời sống thánh thiện. Mục tiêu chỉ là dập tắt hoàn toàn, tận diệt tất cả những ô nhiễm, không còn hình thức bám níu nào. Nói cách khác, đó là chứng ngộ Niết Bàn — chấm dứt trọn vẹn các pháp hữu vi.
Ðể làm sáng tỏ điểm này, Ðức Punna Mantàniputta thuật lại câu chuyện ngụ ngôn về Các Trạm Xe như sau:

“Bạch Sư Huynh, cũng giống như trong lúc Vua Pasenadi xứ Kosala đang ngụ tại Sàvitthi mà có chuyện cần phải đi gấp đến thành Sàketa. Như vậy từ Sàvitthi đến Sàketa người ta sắp xếp sẵn bảy trạm xe. Bạch Sư Huynh, Vua Pasenadi xứ Kosala rời cung điện tại Kosala, lên xe và dùng chiếc xe đầu tiên này đi đến trạm thứ nhất. Nơi đây vua rời chiếc xe thứ nhất, lên chiếc xe thứ nhì và dùng xe này đi đến trạm nhì. Nơi đâu vua rời chiếc xe của trạm nhì, lên một chiếc xe khác để đến trạm ba. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm ba, lên một chiếc khác để đến trạm thứ tư. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm tư, lên một chiếc xe khác để đến trạm năm. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm năm, lên một chiếc xe khác để đến trạm sáu. Nơi đây vua rời chiếc xe của trạm thứ sáu, lên một chiếc xe khác, và xe này sẽ đưa vua đến hoàng cung tại thành Sàketa.”

Trong trường hợp của bảy giai đoạn thanh lọc, “làm cho trong sạch” có nghĩa là loại bỏ những yếu tố bất thiện đối nghịch. Thanh Lọc Giới Ðức (giới tịnh) hàm ý là làm cho giới đức trong sạch bằng cách kiêng cữ, không để phạm những lỗi lầm bằng thân, khẩu và trong lối làm ăn sinh sống. Thanh Lọc Tâm (tâm tịnh) là làm cho tâm trong sạch bằng cách gội rửa tham dục, oán ghét, hôn trầm, phóng dật và xung đột hoài nghi không nhất quyết. Thanh Lọc Quan Kiến (kiến tịnh) là làm cho sự nhận thấy của mình trong sạch bằng cách đánh tan những quan kiến sai lầm méo mó. Thanh Lọc bằng cách Khắc Phục Hoài Nghi (đoạn nghi tịnh) là tiến đạt đến trạng thái trong sạch bằng cách chinh phục tất cả mọi hoài nghi về những sự việc trong những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy thế nào là Con-Ðường và thế nào là Không-Phải-Con-Ðường (đạo, phi đạo, tri kiến tịnh) là trạng thái trong sạch thành đạt bằng cách vượt qua khỏi những tình trạng mê loạn ảo huyền phát sanh trong khi hành thiền, hiểu biết và thấy rõ thế nào là Con-Ðường, và thế nào là Không-Phải-Con-Ðường. Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy Con Ðường (đạo tri kiến tịnh) là trạng thái trong sạch sau khi đã tạm thời loại trừ những ô nhiễm ngăn trở Con Ðường Hành Thiền. Và cuối cùng, Thanh Lọc bằng cách Thấu Hiểu và Nhận Thấy (tri kiến tịnh) là tình trạng hoàn toàn trong sạch thành đạt bằng cách tận diệt mọi ô nhiễm cùng với những khuynh hướng ngủ ngầm của nó do những Con Ðường Siêu Thế (Thành Ðạo). Tri kiến tịnh bao gồm sự hiểu biết và nhận thấy bốn Con Ðường — Con Ðường Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn Ðạo), Con Ðường Nhất Lai (Tư Ðà Hàm Ðạo), Con Ðường Bất Lai (A Na Hàm Ðạo) và Con Ðường A La Hán (A La Hán Ðạo).
 

Nnarama Mahathera
Việt dịch: Phạm Kim Khánh
Nguồn: Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc