CHIA SẺ

Cơ thể vật chất nầy mà ta quan niệm sai lầm là tự ngã, vốn thật là gì? Những đặc tính vật chất sau đây hợp thành nền tảng của hình thể vật chất: phần nhạy của mắt làm cho ta thấy đối tượng; phần nhạy của tai làm cho ta nghe âm thanh; phần nhạy của mũi làm cho ta biết mùi; phần nhạy của lưỡi làm cho ta hay biết vị; phần nhạy của thân làm cho ta cảm giác sự xúc chạm; “ý căn” (hadāya vatthu), là căn môn của thức; và đặc tính vật chất của mạng căn hay sinh lực.

Nếu thận trọng quán sát ta thấy rằng nhãn thức khởi sanh (tức có sự thấy) vì có phần nhạy của mắt, và với nhãn thức, phát khởi khái niệm về một thực thể sống hay tự ngã. Cùng thế ấy, vì có phần nhạy của tai, mũi, lưỡi, và thân ta có nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, và thân thức. Ý căn, căn môn của thức do đó có những tư tưởng và sự suy tư đưa đến ý niệm về một cái “ta”, tự ngã, hay thực thể sống. Mạng căn là sinh lực khơi động sinh khí vào cơ thể vật chất và bảo trì không để cho cơ thể vật chất hư hoại và tan rã. Mạng căn nầy chỉ là đặc tính của sắc, phần vật chất, mà người đời thường lầm tưởng là linh hồn, một thực thể sống.

Nếu không có phần nhạy của các giác quan thì không có gì để lầm hiểu là linh hồn hay thực thể sống. Chẳng hạn như ta thử quan sát một tượng người bằng gỗ, nhìn vào giống hệt một người nhưng không có giác quan nào làm khởi phát sự hay biết. Ta không bao giờ có thể lầm hiểu đó là một chúng sanh có linh hồn hay một thực thể sống. Cùng thế ấy trong một xác chết ta sẽ không bao giờ lầm tưởng là có một linh hồn hay một thực thể sống trong đó bởi vì các giác quan không có phần nhạy. Khi phần nhạy hiện hữu thì những chuyển hóa của sắc, những đặc tính phụ thuộc và đồng thời phát sanh cùng sắc pháp, những đặc tính nhạy của sắc pháp như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân — sự tiếp chạm của những nguyên tố đất (paṭhavī), lửa (tejo), gió (vāyo), đặc tính lỏng và làm dính liền của nguyên tố nước (āpo), cùng với tánh nam hay tánh nữ của sắc pháp cũng được khái niệm lầm lạc là có một tự ngã [Lời người dịch: Xin xem Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch quyển A Manual of Abhidhamma, của tác giả Cố Ðại Ðức Nārada, chương VI, từ trang 339 trở lên].

Những đặc tính của sắc như sự thấy, sự nghe, sự ngửi, đồng phát sanh với những phần nhạy của mắt, tai và mũi cũng được quan niệm sai lầm là có một linh hồn hay một thực thể sống: tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi. Tóm tắt, toàn thể thế gian vật chất đồng thời hiện hữu với phần nhạy của sự hay biết được lầm xem là một thực thể sống, một linh hồn.

Trong ngôn ngữ thông thường cũng vậy, thân nầy — tức sự kết hợp của những đặc tính vật chất — được nói là tôi, tự ngã. Nói như vậy không sai lầm, mà thích hợp với sự hiểu biết chế định của thế gian (tục đế), nhưng nhìn theo quan điểm cùng tột, hay thực tại tuyệt đối (chân đế), thì không có gì của cơ thể vật chất nầy là tự ngã. Nó chỉ là những uẩn, tức sự kết hợp những đặc tính của sắc. Vì lẽ ấy Ðức Thế Tôn tuyên ngôn một cách rõ ràng và minh tường rằng, Mặc dầu thông thường người ta quan niệm rằng các uẩn, hay các nhóm đặc tính của sắc là một chúng sanh, trong thực tế đó không phải là tự ngã mà chỉ giản dị là những hiện tượng vật lý.”

Tuy nhiên, những người theo học thuyết chủ trương rằng thân nầy là “ta”, là tự ngã của ta, sẽ nêu lên thắc mắc, “Tại sao thân nầy không phải là tự ngã?”

Ðức Thế Tôn cung ứng giải đáp như sau:
Tại Sao Thân Nầy Không Phải Là Tự Ngã?
— Nầy chư Tỳ Khưu, nếu thân nầy là tự ngã, là chính ta, ắt nó sẽ không có khuynh hướng làm cho ta đau khổ hay sầu muộn, và ta phải có khả năng sai bảo, ‘Thân tôi phải như thế nầy (tức phải ở trong những điều kiện tốt đẹp nhất); thân tôi phải không như thế kia (trong một tình trạng tồi tệ bi đát).’ Ta phải có thể ảnh hưởng đến thân như thế đó.” Nếu thân nầy là tự ngã, là chính ta, ắt nó không làm cho ta đau đớn, nhưng trong thực tế thân nầy bắt buộc ta phải chịu đau khổ bằng nhiều cách. Nó không tồn tại trẻ trung và khoẻ mạnh, nó trở nên già nua, bệnh hoạn và chết.

Nếu không có thân ắt ta không bị đau khổ vì tóc bạc, răng long, lưng khòm, tai điếc, mắt mờ, chân mỏi, gối dùn, tàn tật. Chính thân nầy làm cho ta chịu đau khổ. Lại nữa, bởi có thân nên ta phải chịu đau đớn: đau mắt, đau tai, đau răng, đau lưng, đau bụng, phải chịu nóng, chịu lạnh, chịu đau và chịu nhức, và những chứng bệnh máu, bệnh da, bệnh bao tử và bọng đái. Những chứng bệnh nầy phát sanh bởi vì có thân. Bởi có thân nên chúng ta đau khổ vì đói, vì khát, vì bị muỗi mồng và những loại rắn rết v.v… chích cắn. Cũng vì có thân nên ta đau khổ khi ở trong những cảnh giới bất hạnh. Tóm tắt, chúng ta phải chịu những hoàn cảnh đau đớn và sầu khổ cũng vì có thân. Cũng do nơi thân nên trong kiếp sống làm người ta phải chịu những hiện tượng như chết chóc. Khi những thành phần của sắc pháp trong thân biến chuyển, suy đồi và hư hoại thì cái chết đến. Có thể nói rằng cơ thể vật chất nầy làm cho ta đau khổ vì nó hoại diệt.

Như vậy ta có thể suy ngẫm rằng nếu cơ thể vật chất nầy thật sự là chính ta ắt nó không làm cho ta đau khổ vì già, bệnh và chết. Ta có thể làm cho người khác đau khổ nhưng sẽ không làm cho chính mình đau khổ. Nếu thân nầy là chính nó ắt nó sẽ không làm cho nó đau khổ vì già nua, bệnh hoạn v.v…

Lại nữa, dầu trước khi bắt đầu già, bệnh và chết, thân nầy cũng không ngớt gây cho ta đủ loại sầu muộn dưới nhiều hình thức. Mặc dầu còn trẻ trung, tương đối cường tráng và dồi dào sức khoẻ, ta cũng không thể ở yên không động đậy một thời gian lâu dài trong một tư thế như ngồi, đứng, hay đi. Phải luôn luôn xoay trở, luôn luôn cử động. Tất cả chúng ta đều biết rằng ở yên lâu dài trong một oai nghi là khó như thế nào. Chúng ta biết rằng ngồi yên trong nửa giờ hay một giờ không cử động, hoặc nằm yên trong hai hoặc ba tiếng đồng hồ mà không nhúc nhích là khó như thế nào. Ta phải thường xuyên thay đổi tư thế vì sẽ cảm nghe đau nhức hay bực bội ở chân sau một thời gian ở yên không cử động. Tất cả những trạng thái khó chịu ấy khởi sanh vì cơ thể vật chất nầy; nói cách khác chính cái thân nầy làm cho ta khó chịu.

Vậy, ta có thể suy tư rằng nếu thân nầy là chính ta, là tự ngã của ta, ắt nó không gây đau khổ cho ta như vậy.

Lại nữa, nếu thân nầy là chính ta thì ta phải có thể sai bảo, “Thân phải như thế nầy, thân phải không như thế kia.” Tất cả chúng sanh đều muốn thấy thân mình luôn luôn khoẻ mạnh và trẻ trung cường tráng, không già nua, không bệnh hoạn, và không chết. Nhưng cơ thể vật chất nầy không bao giờ vâng lời, nó từ chối, không làm theo ý ta muốn. Thời xuân xanh son trẻ vững bước đi dần đến tuổi già, sức cường tráng khoẻ mạnh từ từ giảm sút, suy đồi, và đưa dần đến bệnh hoạn, rồi sau cùng đến bại hoại và chết.

Nếu thân nầy là chính ta nó sẽ không gây đau khổ cho ta và nó phải vâng theo ý muốn của ta. Trong khi người khác có thể không tùng phục vâng lời ta thì ít ra thân nầy — tức chính ta — phải làm theo ý muốn của ta vì nó là chính ta. Nhưng thực tế không phải vậy. Ðiều nầy cho thấy rằng thân nầy không phải là tự ngã, là chính ta. Vì lẽ ấy nó triền miên gây đau khổ cho ta và không nằm dưới quyền kiểm soát của ta. Ðức Thế Tôn tiếp tục giải thích sự kiện nầy như sau:

Yasmā ca kho, bhikkhave, rūpaṁ anattā, tasmā rūpaṁ ābādhāya saṁvattati, na ca labbhati rūpe evaṁ me rūpaṁ hotu, evaṁ me rūpaṁ mā ahosī’ ti.

Nầy chư Tỳ Khưu, trong thực tế thân nầy không phải là ta. Vì không phải là ta nên nó có khuynh hướng làm cho ta đau khổ và sầu muộn, và ta không thể sai bảo thân, ‘Hãy như thế nầy, hãy không phải như thế kia.’ Ta không thể gieo ảnh hưởng và điều khiển thân như vậy”.

Thiền Sư Mahasi Sayadaw

Phạm Kim Khánh dịch

Kinh Vô Ngã Tướng