CHIA SẺ

Khi Đức Phật đang giảng về ý nghĩa của chữ ‘trú xứ’, một trong những khía cạnh của ‘sự hiểu biết rõ ràng’, Phật đã kể câu chuyện sau đây:

“Ở vùng đỉnh núi Hymalayas (Hy-mã-lạp-sơn), vua của những ngọn núi, có những vùng gồ ghề và cao thấp khác nhau, nơi những con khỉ có thể đi qua, nhưng con người không thể đi qua; và cũng có những vùng bằng phẳng và đẹp đẽ, nơi cả khỉ và người đều có thể đi lại. Tại đó, dọc theo những lối mòn mòn của khỉ, những thợ săn đặt những cái bẫy keo dính.

“Một con khỉ không ngu dại thấy được cái bẫy và tránh nó từ xa. Nhưng con khỉ ngu dại thì sờ tay vào bẫy dính và bị dính tay. Suy nghĩ: “Ta phải gỡ tay ra”, con khỉ dùng tay kia để gỡ. Suy nghĩ “Ta phải gỡ hai tay của ta ra”, con khỉ dùng chân để đạp cái bẫy. Suy nghĩ “Ta phải gỡ hai tay và hai chân ”, con khỉ dùng miệng để đẩy cái bẫy.

“Này các Tỳ kheo, con khỉ nằm đó kêu la, năm chỗ bị dính chặt. Nó đã bị dính vào tai ương và tai nạn, và người thợ săn bây giờ có thể làm điều gì người đó muốn. Như vậy đó, này các Tỳ kheo, khi một người đi ra khỏi trú xứ của mình và đi lạc vào trú xứ của người khác…

“Trú xứ của người khác là gì?. Đó là năm sợi dây khoái lạc giác quan…

“Và trú xứ của một Tỳ kheo là gì?. Đó là Bốn Nền Tảng Chánh niệm”.

(Bản dịch từ tiếng Pali của thiền sư Bhikkhu Bodhi)

Câu chuyện này minh họa một yếu tố căn bản của thông điệp của Đức Phật: Tất cả mọi tai ương hay tai nạn mà chúng ta gặp phải đều xuất phát từ những hành động [nghiệp] không khôn khéo của chúng ta. Nếu chúng ta muốn hết khổ đau, chúng ta phải biết nhìn một cách cẩn thận vào những hành vi của thân và tâm chúng ta. Thân và tâm của chúng ta là phòng thí nghiệm nơi chúng ta cần phải làm việc một cách siêng năng. Bằng những công cụ “chánh niệm” và “sự hiểu biết rõ ràng”, chúng ta nghiên cứu và dò xét về thân, về những cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và ý thức (năm uẩn) — không phải chỉ giống như là một nhà sinh học, nhà hóa học, hay nhà bệnh lý học nhưng sâu sắc hơn, giống như là một thiền sinh, với mục đích là tu dưỡng đạo đức, phát triển tâm linh và trí tuệ thâm sâu. Trong mọi hành vi, dù chúng ta đang ngồi, đang đứng, đang đi, đang nằm, đang nói, đang ăn, hay đang thiền… thì sự “chánh niệm” và “sự hiểu biết rõ ràng” sẽ cùng làm việc với nhau để giúp cho chúng ta có thể nhìn thấy được những gì chúng ta đang trải nghiệm chỉ là tạm thời, giả tạm, và vì vậy chúng chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn hay toại nguyện dài lâu. Hơn nữa, mặc dù chúng ta thường nghĩ rằng mình đã hiểu một cách hoàn hảo những gì đang xảy ra, nhưng sự thật là chúng ta thường bị lầm lẫn, bị chấp lầm và ngu si mà thôi. Đó là do si. Vậy thì “sự hiểu biết rõ ràng” là gì? Theo truyền thống Phật giáo, “sự hiểu biết rõ ràng” bao gồm bốn khía cạnh: Mục đích, Sự phù hợp, Trú xứ, và Sự vô si.

Ở đây chỉ xin giải thích vắn tắt như sau:

Mục đích có nghĩa là lý do tốt, có lý do chính đáng để chúng ta tham gia hay thực hiện vào một hành vi; tức là biết rõ điều gì là lợi lạc để làm và điều gì là có hại cần phải tránh.

Sự phù hợp có nghĩa là hành vi đó là phù hợp và được làm để thực thi cái mục đích đó; tức là biết rõ điều gì là phù hợp và đem lại kết quả tốt thì làm và điều gì không giúp thực thi được mục đích thì không làm.

Trú xứ, như chúng ta có thể thấy qua ví dụ về con khỉ lạc vào bẫy trên đây, có nghĩa là hành vi nên nằm trong những phạm vi hay giới hạn nào đó. Tức là chỉ nên hành động trong ‘khu vực’, ‘địa phận’, hay ‘trú xứ’ của mình thì sẽ an toàn, còn nếu lạc qua ‘lãnh địa’ khác thì sẽ gặp nguy hiểm và tai ương.

-si có nghĩa là trong khi chúng ta đang làm một hành động gì, chúng ta xem xét liệu mình có hiểu biết rõ ràng về cái gì đang diễn ra hay không. Bây giờ chúng ta đi vào chi tiết hơn về ý nghĩa thực hành của bốn khía cạnh quan trọng này của phần “sự hiểu biết rõ ràng“, bởi vì “sự hiểu biết rõ ràng” là một nền móng để chúng ta thực hành chánh niệm.

Mục Đích

Khi chúng ta làm điều gì thường chúng ta cũng có mục đích. Chúng ta đi đến cửa tiệm nào đó để mua món đồ nào đó chúng ta đã định. Chúng ta gặp ai đó để bàn chuyện công việc, hoặc chỉ để nói chuyện hay để cùng ăn một bữa cơm. Nhưng khi chúng ta tham gia vào thiền chánh niệm, mục đích của chúng ta không phải là bình thường như việc đi đến cửa tiệm hay văn phòng. Thay vì vậy, mục tiêu của chúng ta là rất rõ ràng và đặc biệt.

Theo Đức Phật trong bài kinh này, chúng ta thực hành thiền với mục đích là để:

► để làm trong sạch tâm,
► để vượt qua những buồn đau và sầu bi,
► để chấm dứt sự khổ và phiền não,
► để bước vào con đường chánh đạo,
► để chứng ngộ Niết-bàn và chấm dứt mọi khổ đau

Bây giờ chúng ta hãy xem từng điều để hiểu rõ ý nghĩa của Phật:

Để làm trong sạch tâm

Mục đích thứ nhất của thiền là làm trong sạch tâm. Sự chánh niệm rất mạnh mẽ có thể được so sánh như chất tẩy rửa. Cũng giống như cách chúng ta dùng chất tẩy rửa để rửa chén bát sạch sẽ trước khi ăn một cách lành mạnh vậy; chúng ta phải làm sạch đi những trạng thái tâm ô nhiễm và bất tịnh như tham, sân, si trước khi chúng ta tu dưỡng những phẩm chất trong sạch và thanh tịnh, ví dụ như lòng rộng lượng, lòng từ bi, và trí tuệ.

Trong một kinh khác, kinh “Ví Dụ Về Tấm Vải”, Phật cũng đã so sánh tiến trình tu tập giống như cách chúng ta nhuộm một tấm vải:

Nếu một tấm vải bị dính đất hoặc dơ dáy được một người thợ nhuộm nhúng vào thùng nhuộm – màu xanh, vàng, đỏ hay hồng – thì nó sẽ vẫn là tấm vải có màu nhuộm xấu và dơ dáy. Tại sao? Bởi vì tấm vải đó không sạch. Tương như tự vậy, này các Tỳ kheo, khi tâm người không trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai xấu đang chờ đợi.

Nếu một tấm vải hoàn toàn sạch được một người thợ nhuộm nhúng vào thùng nhuộm – màu xanh, vàng, đỏ hay hồng – thì nó sẽ trở thành tấm vải có màu nhuộm đẹp và sạch sẽ. Tại sao? Bởi vì tấm vải đó sạch. Tương tự như vậy, này các Tỳ kheo, khi tâm người trong sạch, ắt hẳn một cuộc sống tương lai tốt đẹp đang chờ đợi.”

Như trong kinh điển cũng có ghi, khi tâm của người cư sĩ tên Upali đã được thanh lọc để được sẵn sàng, nhận biết, phấn khởi và tin tưởng để nghe giáo pháp, thì Đức Phật đã dạy cho ông ta về Tứ Diệu Đế:

Giống như một tấm vải sạch không còn dấu vết dơ bẩn nào thì có thể thấm đều thuốc nhuộm một cách hoàn hảo, cũng như vậy, khi ông Upali ngồi đó, một tầm nhìn vô nhiễm, không vết nhơ và tinh khiết về Giáo Pháp đã phát sinh trong ông“.

(Bản dịch từ tiếng Pali của thiền sư Bhikkhu Bodhi)

Những trạng thái không sạch làm ô nhiễm tâm gồm có tham, sân, si, ghen tỵ, nghi ngờ về Giáo Pháp, sự ích kỷ, sự cố chấp, và sự xao lãng. “Chánh niệm” và “sự hiểu biết rõ ràng” giúp chúng ta loại bỏ những bản chất đó và những thói tâm bất thiện, và thay thế chúng bằng kiến thức của con đường đạo Phật, và sự thấy biết tỏ tường về những gì mình cần phải làm và những gì không nên làm, để tu tiến trên con đường đó.

Để vượt qua những buồn đau và sầu bi

Chúng ta không thiền để than khóc hay sầu não với ‘số phận’. Khi những cảm xúc buồn khởi sinh, chúng ta nên dùng sự chánh niệm để coi lý do là gì. Chúng ta cũng thường thấy rằng niềm bất hạnh của mình là có lý do từ một ai đó, một tình cảnh nào đó, một nơi nào đó, hay một thứ gì đó. Sau đó chúng ta tự hỏi: “Tại sao mình lại bị ràng buộc vào đó?”. Khi chúng ta tìm hiểu cẩn thận, chúng ta phát hiện ra rằng: “Mình bị ràng buộc bởi vì mình đã quên rằng mọi thứ là đều là vô thường. Một cách ngu si, ta cứ tưởng rằng cái đối tượng ràng buộc đó sẽ mang lại niềm hạnh phúc, sung sướng, và an ninh cho ta dài lâu hay mãi mãi”. Có lúc chúng ta khóc vì nhớ lại những sự kiện ưu buồn và đau thương của mình, hay nhớ về nỗi khổ của một ai đó. Lúc đó chúng ta nên theo gương Đức Phật và làm theo cách khác. Mặc dù Phật đã nhìn thấy được những nỗi khổ đau của hàng tỷ chúng sinh, nhưng Người đã không bao giờ khóc, bởi vì Phật biết sự buồn đau của mình cũng chẳng giúp gì để làm nguôi đi sự sầu khổ đó. Thay vì vậy, Phật luôn luôn giữ được sự chánh niệm không lay chuyển và tâm buông xả tuyệt vời. Nhờ vào trạng thái cân bằng về cảm xúc như vậy, chúng ta mới dễ dàng thấy được những trải nghiệm buồn đau của quá khứ nay đã không còn nữa. Và hơn nữa, những gì chúng ta bị ràng buộc dính mắc ngày hôm nay rồi cũng mau thay đổi, cũng chóng qua đi và biến mất. Tất cả đều thay đổi hay biến mất mà không cần sự điều khiển của chúng ta và cũng không hề báo trước. Lẽ thật này cũng đúng đối với những niềm vui và khổ đau của mọi người khác. Khi đã biết được điều này, sự buồn đau và sầu não của chúng ta cũng từ từ phai biến đi. Tu tập bản thân mình để đối diện với thực tại này là mục đích thứ hai của môn thiền chánh niệm.

Để chấm dứt những sự khổ và phiền não

Sự khổ và phiền não thì kéo dài và khó bứng hơn những buồn đau và sầu bi vừa nói trên, cho nên phải cần có nhiều nỗ lực cố gắng hơn mới bứng nhổ tận gốc. Đôi lúc, mặc dù chúng ta cố gắng làm tĩnh lặng tâm mình bằng việc thiền, nhưng chúng ta vẫn không tránh thoát khỏi những cảm xúc này. Chúng ta muốn quên chúng và tâm niệm không muốn sống với chúng, nhưng chúng cứ nổi lên liên tục. Để chấm dứt được chúng, chúng ta cũng dùng một cách tu tập như tôi đã chỉ ra. Đó là quán chiếu bản chất vô thường của mọi thứ trong đời sống. Mọi trải nghiệm quá khứ thì đã qua. Chẳng có lý gì chúng ta cứ mang những nỗi khổ sở hay bất toại nguyện theo chúng ta mãi mãi. Mọi người ta yêu mến, mọi thứ hấp dẫn và những khoảng thời gian sung sướng rồi cũng mất, cũng đi theo những ngày đã qua đó. Tất cả. Chúng ta chẳng làm gì được để ngăn cản những điều này. Cách suy nghĩ này giúp chúng ta thấy được rằng những sự phiền não hay tuyệt vọng của chúng ta chỉ là “duyên khởi”, tức là do nhân duyên mà có. Nó tùy thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện mà khởi sinh, tồn tại một thời gian, và rồi sẽ biến mất. Khi chúng ta biết dùng sự chánh niệm để huấn luyện tâm chấp nhận lẽ thật này, thì những cảm xúc này cũng sẽ từ từ phai biến đi.

Để bước vào con đường chánh đạo

Lý do thứ tư để tu thiền chánh niệm là bước theo con đường Bát Chánh Đạo của Phật, đó là con đường chắc chắn và duy nhất để chấm dứt mọi buồn đau, sầu bi, khổ sở và phiền não. Tôi sẽ nói thêm về Bát Chánh Đạo [Bát Thánh Đạo] trong phần “Chánh Niệm về Pháp” phía sau, nhưng trước mắt, tám phần của con đường đó là: hiểu biết đúng đắn, suy nghĩ, ngôn từ, hành động, công việc, nỗ lực, chánh niệm, và chánh định đúng đắn. Trong phạm vi mục đích tu thiền, điều quan trọng chúng ta nhận ra là chúng ta không thể tách rời việc tu chánh niệm ra khỏi Bát Chánh Đạo. Mặc dù vẫn còn có người nói rằng ‘Thiền minh sát và thiền trí tuệ thì không liên quan đến Phật giáo’, nhưng câu nói đó không đúng. Khi sự tu hành của chúng ta càng thêm thâm sâu, tâm của chúng ta sẽ trong sạch và tinh khiết hơn, thì chúng ta không thể nào không thấy được sự kết nối của thiền với từng bước của con đường Bát Chánh Đạo của Phật.

Để chứng ngộ Niếtbàn và chấm dứt mọi khổ đau

Mục đích cuối cùng của thiền là để chấm dứt tất cả mọi khổ đau không ngừng của kiếp này và tất cả những kiếp sau. Sự giải thoát là mục tiêu tối thượng của thiền chánh niệm; còn những thứ khác chỉ là bên ngoài và phù du. Người tu thiền nghiêm túc luôn khắc ghi mục đích tu hành trong tâm mọi lúc mọi nơi — khi đang ngồi, đang đi, đang đứng, đang ăn, đang uống, đang nói, đang im lặng quan sát, đang tắm, hay đang đi vệ sinh…! Chúng ta cần phải xác định và giữ được những mục tiêu cao quý nói trên của việc thực tập “sự hiểu biết rõ ràng” của tâm. Điều đó sẽ giúp chúng ta không bị trệch đường vì những lo toan và mục tiêu tầm thường khác. Hãy thảo luận để biết rằng: những mặt thực hành mang tính bề ngoài, giả tạo và hời hợt là không phù hợp và chỉ làm lãng phí thời gian của chúng ta, và làm chúng ta xao lãng khỏi mục tiêu đích thực mà thôi. Bởi vì mục tiêu tu hành của chúng ta là bàng bạc về “sự giải thoát sự chấm dứt khổ đau”, nên chúng ta phải cố hiểu rõ và tránh những cái cạm bẫy của lầm lẫn, và cố luôn tập trung vào mục đích tột cùng của việc tu hành. Khi chúng ta làm được vậy, thì sự tu thiền chánh niệm sẽ đơm hoa kết quả nhanh chóng. Mục tiêu tu hành, mục tiêu, và mục tiêu.

II. Sự Phù Hợp

Sự hiểu biết rõ ràng” thứ hai này là sự biết chắc chắn rằng những hành vi của chúng ta là thiện lành và phù hợp để thực thi và giúp đạt được mục tiêu tu tập của chúng ta. Chúng ta chọn công việc phù hợp để dành được thời gian cho việc tập thiền và tránh xa những người (có thể) bất thiện và họ có thể gây hại cho người, cho ta hay cho chính họ. Chúng ta thực hành lời nói đúng đắn và kiềm chế những lời nói có thể phá rối sự tập trung của ta. Chúng ta chọn cách sống lành mạnh, ví dụ như ăn uống điều độ và không ngủ quá nhiều. Chúng ta cũng phải bảo đảm sự thực hành thiền của mình là cũng rất phù hợp với tính khí của mình. Nếu chúng ta thường có thói quen dễ bị kích động, hoặc hăng say, hay hiếu động quá mức cần thiết, thì ta nên chọn cách thực hành để làm tâm tĩnh lặng xuống, ví dụ như ngồi xuống thiền và đếm hơi thở. Ngược lại, nếu chúng ta hay cảm thấy buồn ngủ và ngu mờ, thì ta phải thực hành cách thiền để khơi dậy nguồn năng lượng, ví dụ như chuyển qua tư thế đi thiền, thay vì ngồi thiền. Chúng ta cũng phải nên liên tục xem xét việc thiền của mình có kết quả tốt hay không. Ví dụ, ta phải luôn tự hỏi mình “Ta thực sự có được sự tập trung [định] và sự chánh niệm [tuệ] hay không, hay ta chỉ đang ngồi ngủ trên gối ngồi thiền?”. Tương tự vậy, chúng ta chọn những chủ đề quán niệm để có thể giúp ta vượt qua những thói tâm bất thiện. Ví dụ, một người bị nặng về tánh ganh tỵ thì có thể thử tập về tánh rộng lượng bố thí (cho đi mà không cần được trả ơn), hay tập tánh vui tươi tùy hỷ (vui sướng với niềm vui của người khác) là những cách để đối trị tốt nhất cho cái thói ganh tỵ của tâm.

Vì thời gian sống của chúng ta là rất hữu hạn, mà mục tiêu của chúng ta lại rất cao, cho nên chúng ta phải biết chọn lựa nhanh chóng và khéo léo, phải biết dùng sự phán đoán tốt để tu hành cho được phù hợp, đúng đắn và mau có kết quả!. Như trong lời Phật dạy: “Đừng cố làm đủ thứ cách“, mà hãy biết khéo chọn những cách phù hợp nhất với mình để tu tập.

III/ Trú Xứ

Khía cạnh thứ ba của “sự hiểu biết rõ ràng” là thực hành sự suy nghĩ đúng đắn [chánh tư duy] để giữ mình trong trú xứ hay trong ‘địa phận’ của mình. Ví dụ, để cho tâm mình lang thang qua “vùng khoái lạc” là nguy hiểm, như đã được minh họa bằng ví dụ về con khỉ ở đầu chương. Nếu con khỉ đó cứ lưu trú bên địa phận [khu vực trú xứ] của mình thì nó đã không bị cám dỗ bởi cái bẫy và không bị dính đến năm thứ trên người vào cái bẫy đó. Năm chỗ bị dính hay năm “sợi dây” đó là gì?. Năm ở đây là năm loại thức và năm đối tượng khoái lạc, đó là: những hình sắc đẹp mắt dễ ưa của mắt [sắc], những âm thanh dễ nghe dễ ưa của tai [thanh], những mùi hương thơm tho dễ ưa của mũi [hương], những mùi vị ngon lành dễ ưa của miệng [vị], và những chạm xúc sướng khoái dễ ưa của thân [xúc]. (Năm thức còn được gọi là: thức nhìn, thức nghe, thức ngửi, thức nếm và thức tiếp xúc. Tất cả mọi dục vọng của con người từ vô thủy đến nay đều là chạy theo những cảm giác sung sướng hay khoái lạc và tránh bỏ những cảm giác đau khổ hay khó chịu của năm giác quan này. Bạn hãy nghĩ lại xem, đúng thật con người sống chỉ để lo sinh tồn, mưu cầu và tranh đấu chỉ vì những khoái lạc vật chất và tinh thần, có khoái lạc nào không phải thuộc khoái lạc giác quan?. Mọi đau khổ triền miên cũng là những cảm giác
của năm giác quan đó.)

(Như vậy, trú xứ của thiền sinh ở đây có nghĩa là bốn Nền Tảng Chánh Niệm. Thiền sinh phải biết rõ mình phải luôn luôn ở trong trú xứ của mình và phải luôn luôn “trú tâm” vào bốn Nền Tảng Chánh Niệm [Tứ niệm xứ]. Và “sự hiểu biết rõ ràng” về trú xứ của mình là sự hiểu biết quan trọng thứ ba của một thiền sinh.)

Nếu tâm của chúng ta chạy lăng xăng chỗ khác khi chúng ta đang ngồi thiền, chúng ta phải kéo sự chú tâm về lại với năm tập hợp uẩn khi chúng ta đang trải nghiệm nó ngay bây giờ — thân và tư thế, những cảm giác, nhận thức,  ý nghĩ, và thức. Đó là những nền tảng [đề mục] của Bốn Nền Tảng Chánh Niệm. Ví dụ, nếu có ý nghĩ về một đối tượng hấp dẫn đang khởi sinh, chúng ta quán chiếu nó một cách chánh niệm, không can dự gì vào nó. Chúng ta tránh những phản ứng mang tính cảm xúc và những ý kiến [trong đầu hay bằng lời] về nó, ví dụ không nghĩ hay ý kiến là nó đẹp hay xấu, nam hay nữ, dễ chịu hay khó chịu. Chúng ta chỉ cần nghĩ rằng đó là một thứ vô thường. Đối với những đối tượng giác quan khác như hình sắc/cảnh nhìn, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và ý nghĩ, thì chúng ta cũng có thái độ như vậy: cứ quan sát chúng một cách khách quan, không can dự, không ý kiến, chỉ cần biết mọi thứ đó đều là vô thường. Như Phật đã nhắc nhở những học trò của mình trong lần cuối trước khi Người từ giã trần gian: “Này các Tỳ kheo, hãy tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy là nơi nương tựa của chính mình, không nương tựa vào chỗ khác. Hãy lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa của chính mình.”, và “…dẹp bỏ những tham muốn [thích] và bất mãn [không thích] đối với thế giới“.

Sự Vô-Si

Sự hiểu biết rõ ràng” thứ tư là vô-si. Khía cạnh này hơi khó hiểu hơn một chút. Như chúng ta đã nhận biết trước đây, chúng ta bị mê lầm vì đã luôn nghĩ rằng những thứ ràng buộc với ta sẽ mang lại niềm hạnh phúc và toại nguyện dài lâu và mãi mãi cho ta. Chúng ta thường nghĩ rằng những người hay hoàn cảnh làm chúng ta tức giận thì sẽ luôn luôn làm ta tức giận. Đó là sự chấp lầm của chúng ta. Tuy nhiên cũng nên thông cảm cho sự chấp lầm của chúng ta, bởi vì chúng ta không dễ gì nhận ra được những lầm lẫn và cố chấp này bởi vì bên dưới chúng là một nguồn gốc sâu xa hơn và phức tạp hơn—đó là quan niệm sai lầm về một cái ‘Ta’ như kiểu một một ‘bản ngã’ hay một ‘linh hồn’ cố định và truyền kiếp. Đây là phần khúc mắc nhất của triết lý Phật giáo mà chúng ta phải tu tập nhiều mới ‘ngộ’ ra được hết. Ở mức độ ý nghĩa và suy luận bình thường thì chắc chắn là có một cái ‘Ta’ hay ‘Tôi’ tham gia thực hiện nhiều hành vi và hoạt động; ví dụ như ‘Tôi’ đang đi tới và đi lui, đang ăn, uống, ngủ, mặc đồ, nói chuyện, và đang im lặng. Cái ‘Tôi’ cũng trải nghiệm những cảm xúc, nhận thức những cảm nhận, và tham gia vào những hoạt động khác với cái thân và tâm ‘của Tôi’. Nhưng thiền chánh niệm đã phát hiện ra rằng không có một hoạt động nào là tự xảy ra một cách độc lập cả, cũng không do một ‘ai’ thực hiện cả. Thay vì vậy, mọi thứ và mọi người trên đời tồn tại được là do có và tùy thuộc vào rất rất nhiều nguyên nhân và điều kiện cũng đang tồn tại, kéo dài, và biến mất. Bởi vì mọi thứ trên thế gian đều khởi sinh ra một cách liên quan, liên kết và tác động lẫn nhau, cho nên không có một cái gì là cố định một mình để tạo ra hay tự thực hiện một hành động như “đi”—như chúng ta có thể thấy rõ như vậy khi ta chánh niệm vào từng động tác đang đi thiền. Tương tự như vậy, không có một bộ phận nào của thân hay tâm là ‘tôi’ và cũng không có sự sở hữu hay người nào để gọi đó là ‘của tôi’. Những cảm giác tham và sân sẽ bắt đầu phai mờ dần khi chúng ta nhận ra được rằng: không có một cái ‘tôi’ nào hiện hữu một cách độc lập để mà cảm thấy bị ràng buộc [tham chấp] vào một ‘người này’ hay giận hờn [sân, từ chối, ghét] với một ‘người khác’. Chúng ta đang dùng những danh từ và đại từ như Tôichúng tôi, linh hồn, anh, anh ấy, chị ấy… để giảng giải cho dễ hiểu mà thôi. Đó là những ngôn từ được quy ước và được đặt ra bởi con người để giao tiếp với nhau. Không có ngôn ngữ con người thì chúng ta cũng không có gì để làm phương tiện giảng giải được nội dung quyển sách này. Và ngôn từ của con người là rất hữu dụng, vì nếu không có ngôn ngữ thì chẳng có giao tiếp và văn minh. Tuy nhiên, “ngôn từ là hữu dụng” không có nghĩa là nó thực sự diễn tả về bất cứ thứ gì là ‘tồn tại đích thực một cách độc lập, bất biến và cố định’ mà ta có thể tìm thấy được trên thế gian này cả. Không bao giờ tồn tại thứ bất biến và thường hằng đó. (Ví dụ, ngôn ngữ có từ “cái nhà”, “cái đồng hồ”… mà hầu hết chúng ta đều cho rằng đó là những ‘cái’ tồn tại riêng biệt, nguyên con, và độc lập. Tuy nhiên, đúng đích thực về chân lý, thì “cái nhà” đó không phải là một thực thể độc lập, riêng biệt. Nó được cấu tạo bởi rất rất nhiều nguyên vật liệu, nó có mặt và tồn tại nhờ vào nhiều điều kiện tương hỗ lẫn nhau. Cái đồng hồ cũng gồm nhiều bộ phận khác nhau kết hợp với nhau thì nó mới trở thành cái đồng hồ. Tất cả là có điều kiện và nguyên nhân. Mà điều kiện và nguyên nhân [nhân duyên] thì luôn luôn thay đổi, nên bản thân ‘cái’ đồng hồ, ‘cái’ nhà… cũng luôn luôn thay đổi. Cái đồng hồ hay cái nhà rồi cũng hư nát sau một tháng, một năm hay 50 năm… tùy theo chất lượng các thành phần và điều kiện duy trì chúng.) Trí tuệ nhìn thấy rõ sự thật không-thể-chối-cãi-được về sự thật này được gọi trong Phật giáo là “sự không có bản ngã”: tính “vô ngã” (anatta), hay “nh không” (sunnata). “Sự hiểu biết rõ ràng” về chân lý này sẽ được có từ kinh nghiệm hành thiền tích lũy qua thời gian của chúng ta, từ kinh nghiệm quan sát mọi thứ đang diễn ra trong thân và tâm của chúng ta trong (những) khoảng khắc hiện tại. Khi chúng ta đã đi đến hiểu được rằng mọi thứ, bao gồm cả chúng ta, là vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã, thì lúc đó chúng ta đã có được “sự hiểu biết rõ ràng” về sự vô si. (Tức là chúng ta hiểu biết được rằng chúng ta không bị si mê, chúng ta không còn chấp lầm, và chúng ta là vô ngã, là không có một tự tính, và chẳng là một cái gì cố định cả).

Mất & Tìm Lại Sự Chánh Niệm

Một khía cạnh khác của ““sự hiểu biết rõ ràng” về sự -si” là rất lậptức và rất thựcdụng. Đôi khi chúng ta thực hành chánh niệm, chúng ta làm cho mình bị si mê bằng sự suy nghĩ ngu si và u mê. Ví dụ như khi chúng ta đang đi thiền: chúng ta bất chợt nhận ra là đã hơn hai mươi phút trôi qua và ta đã đi được một hay hai cây số mà chẳng hề có sự “chánh niệm” và “sự hiểu biết rõ ràng” nào cả. Hoàn toàn có thể xảy ra như vậy, và chúng ta nghĩ rằng ta nên quay lại ngay thời điểm chúng ta bị mất chánh niệm và tìm nhặt nó lại!. Đó là một ý nghĩ ngu dốt. Sự chánh niệm có phải là một vật thể hữu hình để chúng ta đánh mất ở đâu đó và vào lúc nào đó và rồi quay lại đó để tìm nhặt lại nó?. Không phải vậy, sự chánh niệm là một trạng thái tâm. Khi một trạng thái tâm bị mất đi, thì nó mất mãi mãi, và ta không bao giờ tìm lại được nó. Đơn giản là chúng ta đã bị xao lãng. Có thể chúng ta cũng không nhớ cái gì đã làm ta xao lãng, và khi nào và ở đâu sự chánh niệm đã bị (trượt) mất. Cho nên, thay vì phải quay lại một nơi và một thời điểm tưởng tượng mà chúng ta cho rằng mình đã bị mất sự “chánh niệm” ở đó, chúng ta nên bắt đầu chánh niệm trở lại ngay lậptức từ lúc này. Bất cứ khi nào chúng ta bị mất chánh niệm trong bất cứ lúc nào khi thiền, thì chúng ta đều nên bắt đầu chánh niệm lại ngay lúc đó. Ví như một tu sĩ đang (trong những ngày) thực hành thiền chánh niệm, ông đang ăn cơm và chợt nhớ ra mình đã và đang không ăn một cách chánh niệm. Người ấy không thể ‘ói’ ra lại thức ăn mình đã ăn và bắt đầu ăn chánh niệm lại từ đầu. Cách tốt nhất là hãy tiếp tục ăn và bắt đầu chánh niệm lại ngay lập-tức từ lúc đó. [Nhân tiện, tôi sẽ giải thích thêm về sự ăn chánh niệm sau trong chương này].

Chúng ta cũng có thể mất và tìm lại được sự “chánh niệm” bằng một phương pháp tinh vi hơn. Đôi lúc, khi chúng ta đang thực hành chánh niệm, chúng ta bất chợt trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng và an bình. Điều đó cũng có thể khiến ta nghĩ rằng cảm giác tĩnh lặng và an bình đó là ‘của ta’ hay cái ‘Ta’. Ngay khi ý nghĩ này khởi sinh, chúng ta phải lập tức chánh niệm về nó. Khi chúng ta chánh niệm về nó, chúng ta nhận thấy cảm giác đó cũng thay đổi và phai biến, bộc lộ tính chất vô thường của nó. Khi cảm giác đó biến mất, cái ý niệm về cái ‘Ta’ cũng biến mất. Đây là cách chúng ta giải quyết sự si mê chấp lầm của chúng ta về sự tồn tại của một cái ‘Ta’ hay ‘linh hồn, và thực hành ““sự hiểu biết rõ ràng” về sự vô-si” của mình. Hãy luôn luôn nhớ rằng: Chánh niệm về sự mất chánh niệm chính là sự chánh niệm. Việc thừa nhận mình bị mất chánh niệm là một cách chân thành và thật thà để thực hành chánh niệm. Nếu cảm giác tiếc nuối hay mắc cỡ khởi sinh vì do mất chánh niệm, chúng ta chỉ ghi nhận những trạng thái tâm này mà không cần phải tự trách hay ghét mình vì điều đó. (Nhân vô thập toàn. Chúng ta đều là vô thường). Vì ngay cả sự chánh niệm cũng là vô thường; nó cũng chỉ là một trạng thái tâm. Trở nên tỉnh giác rõ về tính vô thường của sự chánh niệm chính là sự chánh niệm. Hiểu rõ được lẽ thật này chính là “’sự hiểu biết rõ ràng’ về sự vô- si”.

Sự Hiểu Biết Rõ Ràng” trong Cuộc Sống Hàng Ngày

Chúng ta phát triển “sự hiểu biết rõ ràng” bằng cách duy trì sự chánh niệm có mặt không phải chỉ khi nào chúng ta thiền nhưng có mặt cả trong đời sống hàng ngày—trong suốt mọi hành động, lời nói và ý nghĩ. Đức Phật không cần phải nỗ lực đặc biệt để chánh niệm. Sự hiểu biết của Phật cũng tự nhiên sáng tỏ, trong suốt. Phật làm mọi việc với sự chánh niệm và “sự hiểu biết rõ ràng”—đang đi, đang nói, cúi người, ngồi xuống, mặc y, ăn, và đang uống. Như kinh điển ghi lại, sự chánh niệm của Đức Phật giống như cổ của con voi. Nó luôn luôn gắn liền với đầu của voi—biểu tượng của trí tuệ. Cũng như voi luôn dùng sức mạnh thân thể của mình để che chở bảo vệ cái cổ khỏi bị đám sư tử tấn công cắn cổ, Đức Phật phòng hộ cho sự chánh niệm bằng cách dùng “sự hiểu biết rõ ràng”, đức hạnh, chánh định, trí tuệ, giải thoát, và tri kiến về giải thoát—đó là những phẩm chất của cái thân đã giác ngộ. Đức Phật khuyên dạy chúng ta theo gương Người và tham gia thực hiện tất cả mọi hoạt động thân và tâm bằng sự chánh niệm và “sự hiểu biết rõ ràng”. Chúng ta phải ăn, uống, mặc đồ, và tập thể dục để được khỏe mạnh. Chúng ta cần phải ngủ và ở trong nhà cửa. Nhưng chúng ta dùng “sự hiểu biết rõ ràng” để phòng hộ chúng ta khỏi những ràng buộc dính mắc vào những nhu cầu đó và tránh bỏ những tính tham, sân, si, tranh đấu, ganh tỵ và tự cao tự đại.

Ví dụ, một số người ăn mặc quần áo mắc tiền để khoe khoang sự giàu có hay vẻ đẹp của mình, điều đó làm tăng lòng tự cao và sự ràng buộc vào cái ý niệm về cái ‘Ta’ đầy tự ngã. Những người tu hành chúng ta thì ngược lại, khi mặc y phục, các Tăng và Ni đều tâm niệm rằng “Tôi mặc những y phục này là để che chở cho thân tôi khỏi bị lạnh, nóng, muỗi cắn, gió, và nắng, và che đậy sự trần trụi của mình”.

Tương tự như vậy, khi nằm xuống ngủ, họ tâm niệm rằng “Tôi dùng chỗ ở này và cái giường này để che chở cho thân tôi khỏi bị lạnh, nóng, muỗi cắn, gió, và nắng, để bớt mệt mỏi, và để làm cho cơ thể nghỉ ngơi thoải mái”.

Chúng ta cũng nên tâm niệm như các Tăng Ni thường tâm niệm theo cách như vậy.6 Bằng những cách làm nhỏ nhặt như vậy, chúng ta có thể làm trong sạch tâm và bắt đầu (có được) tự do khỏi những tính tham, sân, si và những trạng thái tâm bất thiện khác. “Sự hiểu biết rõ ràng” và sự chánh niệm cũng giúp cho chúng ta làm được những chọn lựa tích cực và đúng đắn cho những hành động mà chúng ta có thể hình dung được trước. Ví dụ, khi một người hỏi “Anh có thể dùng súng của tôi với một “sự hiểu biết rõ ràng” để nhắm bắn con hươu trước mặt hay không?”. “Không, thưa ngài”, tôi trả lời “Tại sao không?”, ông ta hỏi.

Tôi giải thích thêm như vầy, “Đức Phật đã chia những ý nghĩ [ý hành] ra làm hai loại: thiện và bất thiện. Khi Phật thấy rằng những ý hành bất thiện là không phù hợp để đạt đến mục tiêu giải thoát của mình, Phật đã từ bỏ chúng. Khi Phật thấy những rằng những ý nghĩ thiện lành là phù hợp để đạt đến mục tiêu giải thoát, Phật tu dưỡng chúng”. “Ngay cái thời khắc có ý nghĩ về súng, một người thực hành chánh niệm nhận ra rằng bất kỳ vũ khí nào cũng là một phương tiện của sự tàn ác. Súng gợi cho ta nhớ ngay đến sự bạo lực, sân hận, tham, si. Bạo lực chỉ gây ra thêm bạo lực. Hận thù chỉ gây ra thêm hận thù. Tham chỉ tạo thêm tham. Si chỉ tạo thêm si. “Rồi người ấy tâm niệm rằng : “Tôi đã chịu khổ vì những ý nghĩ nguy hại này quá đủ lâu rồi. Bây giờ tôi đang cố gắng thoát khỏi những thói tính tham, sân, si của tôi bằng việc thực hành chánh niệm. Tôi không nên để tâm mình nghĩ đến việc dùng súng.” Tương tự như vậy, chúng ta hãy áp dụng cách nghĩ và tâm niệm như vậy trước khi làm những hành động khác của ba nghiệp thân, miệng, ý [hành động, lời nói, và ý nghĩ]. Nghĩ và tâm niệm như vậy là cách làm đúng đắn để thực tập “sự hiểu biết rõ ràng”.

Sự Hiểu Biết Rõ Ràng” về sự Ăn Uống

Bây giờ, đến lượt nói riêng về những hoạt động ăn và uống, nhai, nhai kỹ, nuốt, nếm—Làm thế nào chúng ta thực tập thực hành “sự hiểu biết rõ ràng” về những hành động này? Đầu tiên, để nhắc chúng ta nhớ về mục đích đúng đắn của việc ăn của chúng ta, chúng ta có thể đọc tụng hay tâm niệm trước khi ăn: “Bằng sự suy xét một cách chánh niệm, tôi ăn thức ăn này—không phải vì sự ngon của thức ăn, không phải vì sự ham ăn ham uống mà làm độc hại cơ thể, không phải ăn để có sắc đẹp hay để làm đẹp cơ thể—mà chỉ để duy trì cơ thể được sống, để khỏi đau bệnh và để nuôi dưỡng đời sống tu hành; tâm niệm rằng: Bằng cách này, tôi làm cho hết cảm giác (khổ sở, đói khát) đã có trước đó, và sẽ không tạo ra cảm giác mới. Sự sống của tôi sẽ được duy trì khỏe mạnh, mà không bị chê bai“.

Rồi đến khi ta đang ăn, chúng ta hãy tuân theo một số quy tắc đơn giản để củng cố sự chánh niệm của mình. Đó là, chúng ta phải ăn một cách thật chậm rãi, đưa tay đến dĩa đựng thức ăn một chậm rãi và gắp lấy thức ăn một cách chậm rãi. Chúng ta cũng chánh niệm về điều đang xảy ra trong tâm. Nếu tâm tham khởi sinh vì thức ăn quá ngon, chúng ta hiểu biết một cách rõ ràng về tâm tham và tâm niệm với chính mình rằng: “À, ta phải chánh niệm. Đúng rồi, thức ăn này ngon miệng quá. Nhưng những hành động của mình phải phù hợp vì mục tiêu tu tập tâm linh. Ta sẽ không tham ăn, không ăn quá nhiều.” Thêm một điều nữa không cần giải thích là: chúng ta cũng phải tránh ăn những đồ ăn vặt, đồ ăn không đúng bữa, ăn đồ ăn không dinh dưỡng và đồ ăn không tốt cho sức khỏe, vì những lý do mà chúng ta đã vừa tâm niệm trên đây. (Người tu thiền tránh ăn phi thời, và tránh ăn thức ăn vặt, thức ăn không lành và thức ăn không phù hợp với mục đích nuôi thân sống để tu hành). Tương tự, khi chúng ta uống những thức uống nóng hay lạnh, chúng ta nghĩ: “Tôi dùng những thức uống này với sự suy xét một cách chánh niệm là để giải cơn khát, để phòng tránh bệnh yếu, và duy trì sức khỏe cho cơ thể.” Các Tăng Ni xuất gia thì tu tập bản thân tuân thủ 30 giới luật về ăn uống để có được và duy trì “sự hiểu biết rõ ràng”. Dưới đây, tôi xin kể ra một số điều hướng dẫn, vốn cũng được rút ra từ những giới luật này, để cho mọi người có thể thực hành sự chánh niệm về sự ăn và sự uống.

■ Những Điểm Chính để thực hành Chánh Niệm về sự Ăn Uống

► Tôi tu tập bản thân để mình chỉ thích những thức ăn và thức uống bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe.8
► Tôi tu tập bản thân ăn một cách điều độ và tránh ăn những những thức ăn vặt, vô ích.
► Tôi tu tập bản thân để quan sát tâm trong khi ăn để tránh tham, sân, si.
► Tôi tu tập bản thân để không gắp hay lấy quá đầy bát hay dĩa ăn.
► Tôi tu tập bản thân để nhận bất kỳ thức ăn nào được cho hoặc có sẵn để ăn mà không hề chê bai hay kén chọn.
► Tôi tu tập bản thân không nhìn vào thức ăn của người khác một cách soi mói hay ganh tỵ.
► Tôi tu tập bản thân cử động hai tay một cách chậm rãi.
► Tôi tu tập bản thân không mở miệng trước khi thức ăn được đưa đến gần miệng.
► Tôi tu tập bản thân không nhồi nhét thức ăn vào miệng.
► Tôi tu tập bản thân không nói khi đang có thức ăn trong miệng.
► Tôi tu tập bản thân không quăng bỏ hay lãng phí thức ăn.
► Tôi tu tập bản thân không mấp môi hay tạo âm thanh bằng miệng trong khi ăn.
► Tôi tu tập bản thân không liếm mút các ngón tay khi ăn.

Thiền sư Henepola Gunaratana