CHIA SẺ

Nếu chúng ta muốn đi xa hơn nữa, thì thay vì tỉnh giác im lặng về những gì hiện ra trong tâm, chúng ta chọn sự tỉnh giác im lặng về một đối tượng mà thôi. Đối tượng đó có thể là cảm nhận về hơi thở, ý tưởng về lòng từ bi (mettā), một vòng tròn đầy màu sắc hiển thị trong tâm (kasina), hay nhiều đề mục quán niệm thông thường khác. Ở đây tôi sẽ mô tả sự tỉnh giác im lặng về hơi thở trong phút giây hiện tại.

Hợp Nhất Đối Lập Với Đa Dạng

Chọn một đối tượng để tập trung chú ý nghĩa là buông bỏ sự đa dạng và tiến đến phía đối lập với nó, là sự hợp nhất. Khi tâm bắt đầu hợp nhất và duy trì sự chú ý về một đối tượng mà thôi, thì ta cảm thấy sự an tịnh, hỷ lạc và nội lực gia tăng đáng kể. Ở đây chúng ta khám phá rằng sự đa dạng của tâm thức cũng là một gánh nặng khác. Giống như bạn có sáu máy điện thoại trên bàn cùng reo lên một lượt. Dẹp bỏ sáu máy này và chỉ cho phép một đường giây điện thoại riêng trên bàn mà thôi, điều đó thật nhẹ người đến mức phát sinh an lạc. Hiểu được sự dạng là một gánh nặng là điều rất quan trọng để có thể tập trung chú tâm vào hơi thở.

Kiên Nhẫn Thận Trọng Là Con Đường Nhanh Nhất

Nếu bạn đã phát triển được sự tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại một cách thận trọng trong một thời gian dài, bạn sẽ thấy thật dễ dàng hướng sự tỉnh giác ấy vào hơi thở và theo dõi hơi thở từng phút giây không gián đoạn. Đó là nhờ bạn đã vượt qua được hai trở ngại lớn của pháp Quán Niệm Hơi Thở. Trở ngại đầu tiên là tâm thường có khuynh hướng rong ruổi về quá khứ hay tương lai, và trở ngại thứ hai là tiếng nói nội tâm. Vì vậy mà tôi đã giảng về hai giai đoạn mở đầu là tỉnh giác về giây phút hiện tại và tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại như là sự chuẩn bị vững chắc cho bước tiến vào mức thiền định thâm sâu hơn về hơi thở.

Thông thường thiền sinh bắt đầu pháp Quán Niệm Hơi Thở khi tâm họ vẫn còn đang chạy nhảy lăng xăng về quá khứ hay tương lai, và khi những suy luận nội tâm làm nhận chìm mức độ tỉnh giác. Không chuẩn bị đúng đắn khiến họ thấy việc theo dõi hơi thở thật khó khăn, thậm chí không thể làm được, và bỏ cuộc trong sự bực bội. Họ bỏ cuộc vì họ đã không bắt đầu đúng chỗ. Họ đã không thực hiện công việc chuẩn bị trước khi dùng hơi thở làm trọng tâm của sự chú ý. Tuy nhiên, nếu tâm bạn đã được chuẩn bị tốt bằng cách hoàn tất hai giai đoạn nêu trên, thì khi bạn hướng tâm về hơi thở bạn sẽ có thể dễ dàng duy trì sự chú tâm vào nó. Nếu bạn thấy theo dõi hơi thở thật khó khăn, đây là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã quá vội vàng vượt qua hai giai đoạn đầu. Hãy quay trở lại các bài thực tập đầu tiên. Kiên nhẫn thận trọng là con đường nhanh nhất!

Bạn Theo Dõi Hơi Thở Từ Điểm Nào Không Thành Vấn Đề

Khi bạn tập trung sự chú ý vào hơi thở, bạn chú tâm theo dõi hơi thở đang xảy ra ngay bây giờ. Bạn cảm nhận hơi thở đang diễn tiến như thế nào, nó đang đi vào, đi ra, hay đang ở nửa chừng. Vài vị thầy dạy rằng phải theo dõi hơi thở ở chóp mũi, vài vị khác bảo phải theo dõi hơi thở ở bụng, vài vị khác nữa lại bảo phải chuyển hơi thở đến chỗ này xong rồi chuyển nó đến chỗ kia. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng bạn theo dõi hơi thở từ điểm nào không thành vấn đề. Thật ra, tốt nhất là đừng ấn định vị trí nào cho hơi thở. Nếu bạn theo dõi hơi thở tại chóp mũi thì nó sẽ trở thành “tỉnh giác về chóp mũi”, không phải tỉnh giác về hơi thở, và nếu bạn theo dõi hơi thở từ bụng thì nó trở thành “tỉnh giác về bụng”. Bạn chỉ cần tự hỏi mình “Tôi đang thở vào hay đang thở ra? Làm sao tôi biết được điều này?”. Đấy! Cảm nhận sẽ cho bạn biết hơi thở đang làm gì, đó là điều bạn cần tập trung chú ý. Đừng quan tâm về việc hơi thở được đặt ở đâu. Chỉ cần tập trung chú ý vào chính cảm nhận hơi thở ra vào.

Khuynh Hướng Kiểm Soát Hơi Thở

Một vấn đề phổ biến ở giai đoạn này là khuynh hướng kiểm soát hơi thở, và điều này làm cho việc theo dõi hơi thở không được thoải mái. Để vượt qua điểm khó khăn này, hãy tưởng tượng bạn chỉ là một hành khách ngồi trong xe nhìn hơi thở qua cửa sổ. Bạn không phải là người lái xe, cũng không phải là người chỉ đường ngồi ở ghế sau. Vậy hãy ngừng ra lệnh, hãy buông thư và vui hưởng cuộc hành trình. Hãy để cho hơi thở thực hiện công việc thở ra vào, bạn chỉ theo dõi mà thôi.

Khi bạn đếm hơi thở ra thở vào khoảng một trăm lần liên tục, không bỏ sót lần nào, bạn đã đạt được điều mà tôi gọi là giai đoạn ba của nỗ lực hành thiền, giai đoạn này liên hệ đến việc duy trì sự chú tâm vào hơi thở. Lần này sẽ an lạc hơn giai đoạn trước. Để tiến sâu hơn, bước kế tiếp bạn sẽ nhắm đến giai đoạn hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở.

Thiền sư Ajahn Brahm

Nguyên tác: Mindfulness, Bliss, and Beyond – A Meditator’s handbook ( Từ Chánh niệm đến Giác ngộ – Cẩm nang của người tu thiền)

Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch

Nhà xuất bản Phương Đông