CHIA SẺ

Một lần nọ khi Phật đang sống tại Rajagaha (thành Vương xá), Ngài Mahakassapa (Đại Ka diếp) đang sống ở Hang Động Pipphali và đang bị bệnh nặng. Vào buổi chiều, Phật rời khỏi thất của mình và đến thăm Ngài Đại Ka diếp.

Sau khi ngồi xuống, Phật hỏi rằng: “Bệnh của thầy thế nào, Ka diếp. Thầy chịu đựng được không? Những đau đớn có đang thuyên giảm không?”

Ngài Ka diếp trả lời: “Thưa Thế Tôn, con đang chịu rất nặng bệnh tình của mình. Bệnh đau rất nặng và không có dấu hiệu thuyên giảm nào.”

Rồi Phật nói rằng: “Này Ka diếp, ta đã dạy cho thầy bảy yếu tố giác ngộ. Khi những yếu tố này được tu tập và phát triển một cách cẩn thận, chúng sẽ dẫn đến sự chứng ngộ và trí tuệ hoàn mãn – nói cách khác, dẫn đến Niết bàn.

Đức Phật nói tiếp: “Cái gì là bảy? Chánh niệm, điều tra các pháp, năng lượng, niềm hỷ lạc, sự tĩnh lặng, chánh định, và sư buông xả.”

Sau khi nghe những lời này, ngài Ka diếp vui mừng. “Dạ thưa Đức Thế Tôn”, ngài nói, “bảy đó thực sự là những yếu tố giác ngộ. Con xin nhận những lời dạy của Đức Thế Tôn.”

Rồi ngay sau đó, ngài Đại Ka diếp hết bệnh và những đau đớn biến mất.

Bảy yếu tố giác ngộ là những phẩm chất chúng ta cần phải có để đạt được mục tiêu tu hành của mình. Cũng thường được gọi là “thất giác chi” (HV). Nếu dịch cho đầy đủ ý nghĩa thì có thể gọi là “những yếu tố trợ giúp giác ngộ”.

Khi sự thiền tập của ta được thâm sâu và những gông cùm lắng lặn, thì bảy phẩm chất tích cực này sẽ khởi lên trong ta. Với sự chánh niệm là phẩm chất và công cụ dẫn đầu, bảy yếu tố giác ngộ giúp chúng ta đánh bại những thế lực của sự si mê luôn cản trở sự tập trung chánh định và vì vậy làm trì trệ bước đường tu tiến của chúng ta đi đến sự giải thoát. Nhiều kinh có kể lại một số câu chuyện tương tự như vậy về ngài Đại Ka diếp trong đó có ghi rằng thậm chí chỉ nghe nói đến tên của bảy yếu tố giác ngộ thì ngài Ka diếp cũng thấy được thuyên giảm bớt bệnh, đau vào tình cảnh lúc đó. Có lần, bản thân Đức Phật cũng bị bệnh, Ngài Mahacunda đã niệm tên bảy yếu tố giác ngộ thì căn bệnh đau đớn của Phật đã biến mất.

Danh sách bảy yếu tố giác ngộ là rất dễ nhớ, và nhiều người thuộc nó dễ dàng. Nhưng không phải chỉ nhớ thuộc là đủ. Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của từng yếu tố và dùng sự chánh niệm để nhìn thấy từng yếu tố đó khi nó có mặt, cách nó khởi sinh, và cách để phát triển và duy trì nó.

Trong tiếng Pali, yếu tố giác ngộ được gọi là bojjhanga. Chữ này là chữ ghép của hai từ, bodhi (bồ đề) có nghĩa là “giác ngộ”, và anga có nghĩa là “chi phần” như tay chân. (Vì vậy nên được gọi là “thất giác chi” trong tiếng Hán Việt). Bảy yếu tố chúng ta đang nói là những chi phần – tay hay chân của sự giác ngộ. Không có chúng, chúng ta không thể đi hay bám leo trên con đường đạo để dẫn đến sự giải thoát khỏi đau khổ. Đối với mọi người tu tập, những yếu tố hay chi phần khởi sinh theo thứ tự. Nói đúng ra, mỗi chi phần là đánh dấu một giai đoạn tu tiến trên con đường đạo của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ qua một giai đoạn nào, bởi vì mỗi giai đoạn phát triển một cách tự nhiên từ giai đoạn trước. Tức là yếu tố này phát triển dựa vào và sau yếu tố trước. Chúng ta hãy xem xét từng yếu tố như sau:

1. Chánh niệm

Tất cả mọi thứ chúng ta đã đang thảo luận từ đầu đến giờ trong quyển sách này đều thuộc về chánh niệm. Tất cả mọi sự tu tiến trên con đường đạo đều bắt đầu từ phẩm chất và công cụ này. Như Đức Phật cũng đã nói: “Chánh niệm là chỉ huy của tất cả các pháp”. Nhưng để cho chánh niệm trở thành một yếu tố dẫn dắt đến sự giác ngộ, chánh niệm phải mạnh mẽ, tập trung, và rõ ràng. Đây là cách Phật đã mô tả loại chánh niệm đặc biệt này:

“Này các Tỳ kheo, vào bất cứ lúc nào một Tỳ kheo quán niệm về thân, nhiệt thành, hoàn toàn tỉnh giác, và chánh niệm, đã dẹp bỏ tham muốn và bất mãn đối với thế giới – vào lúc đó, sự chánh niệm miên mật được thiết lập trong người ấy. Vào bất cứ lúc nào sự chánh niệm miên mật được thiết lập trong một Tỳ kheo – vào lúc đó, yếu tố giác ngộ của chánh niệm được khơi dậy trong người ấy, và người ấy phát triển nó, và bằng cách phát triển, nó sẽ đi đến sự viên thành bên trong người ấy.”
(dịch từ tiếng Pali bởi Bhikkhu Bodhi)

Chúng ta có thể học được điều gì từ những lời này của Phật?

Thứ nhất, để sự chánh niệm của ta trở thành một yếu tố giác ngộ, thì nó phải có một mục tiêu rõ ràng, ví dụ như thân trong thân (thân như là một thân). Chúng ta cũng có thể mục tiêu vào những cảm giác, ý nghĩ, hay hiện tượng [pháp]. Cả bốn phần mục tiêu này chính là bốn nền tảng Chánh Niệm mà chúng đã đang xem xét trong suốt quyển sách này.

Thứ hai, chúng ta phải nhiệt thành và tỉnh thức. Điều này có nghĩa là chúng ta thực hành với sự nỗ lực và nhiệt tình.

Thứ ba, chúng ta phải dẹp bỏ qua những tham dục và bất mãn đối với thế giới. (Sự “thích và không thích”, “ưa và ghét” đối với thế giới phải được dẹp qua một bên!). Nói cách khác, chúng ta không để cho những cảm giác và ý nghĩ của những lo toan của đời sống bình thường hàng ngày quấy nhiễu sự chánh định [việc thực tập thiền định] của bạn. Thật sự là bạn nên luôn luôn dẹp bỏ những sự tham thích và không ưa thích đối với thế giới trong tất cả mọi lúc, chứ không phải chỉ khi nào chuẩn bị ngồi xuống gối ngồi thiền thì mới dẹp bỏ!

Thứ tư, sự chánh niệm của chúng ta phải là miên mật, liên tục, không gián đoạn, không giảm sút. Nói cách khác, chúng ta phải luôn chánh chánh niệm trong mọi lúc, chứ không phải chỉ khi ngồi thiền. Đúng vậy, chúng ta cần phải chánh niệm trong tất cả mọi hoạt động sống, dù là lúc đang nói, đang ăn, đang uống, hay đang chờ xe buýt! Nhờ có chánh niệm nên ngay cả những hành vi sinh hoạt sống hàng ngày cũng được thiện lành và có lợi lạc. Nếu chúng ta chỉ nhớ thực tập chánh niệm vào những lúc nào đó, hoặc chỉ thực hành chánh niệm vào những giờ ngồi thiền mà thôi, thì sẽ còn rất lâu chúng ta mới phát triển được trình độ cần thiết để giải phóng chúng ta khỏi những gông cùm.

Chánh niệm chỉ trở thành một yếu tố giác ngộ chỉ khi chúng ta đã hoàn toàn nhập tâm vào chánh niệm trong từng phút giây tỉnh thức.

Ghi nhớ lại một phút: các tiêu chuẩn cần có trước để chánh niệm có thể trở thành một yếu tố giác ngộ là:
. Chánh niệm phải có mục tiêu rõ ràng.
. Thiền sinh phải nhiệt thành và tỉnh thức.
. Thiền sinh phải dẹp bỏ mọi tham thích và bất mãn với thế giới (của thân).
. Chánh niệm phải miên mật, liên tục, không gián đoạn.

Như chúng ta cũng đã vừa nói, chánh niệm cần có một loại sự tỉnh giác rõ ràng. Trong mỗi khoảnh khắc chánh niệm, chúng ta ý thức về bản chất luôn đổi thay của mọi hiện tượng xảy ra trong chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng không có thứ nào trong đó có thể mang lại hạnh phúc dài lâu mãi mãi cho chúng ta. Quan trọng nhất, chúng ta thấy biết rõ ràng là không có cái “Ta”, một bản ngã hay một ‘linh hồn’ cố định nào đang nếm trải những điều đó cả.

Khi chánh niệm đã được thiết lập như là một thái độ hiện hằng liên tục của ta, ta phát hiện ra rằng ta đã đang thực hành cả “Bảy Yếu Tố Giác Ngộ” cùng một lúc. Khi chúng ta chánh niệm về thân trong thân (thân như là một thân), chúng ta cũng tự động dùng các yếu tố giác ngộ khác như: sự điều tra hiện tượng, sự nỗ lực, niềm hỷ lạc, sự tĩnh lặng, chánh định và sự buông xả. Tương tự như vậy, khi chúng ta thiền chánh niệm về những cảm giác, tâm ý, và hiện tượng (pháp), thì chúng ta cũng tự nhiên sử dụng các yếu tố chánh niệm còn lại một cách xuyên suốt. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là làm cho sự chánh niệm vững vàng và hùng mạnh để cho bản thân sự chánh niệm trở thành những mục tiêu của thiền. Nếu ta tiếp tục thiền theo cách thức như vậy, chánh niệm trở thành một yếu tố giác ngộ và giúp tăng tốc sự tu tiến của chúng ta trên con đường đạo đi đến sự giải thoát.

2. Điều tra các hiện tượng (các pháp) – Trạch Pháp

Người khôn khéo luôn tò mò, tìm hiểu. Sử dụng sự chánh niệm đã được tu tập sâu sắc, chúng ta điều tra các pháp [các hiện tượng] đang diễn ra trong thân và tâm của ta. Việc quay lại nhìn vào bên trong mình xảy ra một cách tự nhiên khi yếu tố chánh niệm là mạnh mẽ và sáng tỏ.

(Tức là khi một người có chánh niệm tốt, thì người đó đã luôn luôn đang điều nghiên và suy xét những gì đang diễn ra bên trong thân tâm mình). Mục tiêu của sự điều tra suy xét là những thứ thuộc về năm tập hợp uẩn mà chúng ta luôn nói đến. Sự chánh niệm của chúng ta điều tra thẩm vấn vào thân (sắc), những cảm giác (thọ), nhận thức (tưởng), ý nghĩ (hành), và thức. Chúng ta nhìn thấy tất cả mọi đối tượng và mục tiêu của chánh niệm được chỉ ra bởi Đức Phật. Chúng ta nhìn thấy sự khởi sinh của: hơi thở, những tư thế, “sự hiểu biết rõ ràng”, những bộ phận của thân, bốn yếu tố tứ đại, 108 loại cảm giác, năm chướng ngại, sáu giác quan, và mười gông cùm khởi sinh tùy thuộc theo sự tiếp xúc của của các giác quan (sáu căn) và đối tượng của chúng (sáu trần). Chúng ta nhìn thấy bản chất khởi sinh của chúng. Và chúng ta nhìn thấy bản chất biến mất của chúng. (Bản chất sinh và diệt của chúng). Chúng ta điều tra tìm hiểu tất cả chúng với sự chánh niệm hùng mạnh.

Nhưng chúng ta điều tra theo cách nào? Cách tiến hành thì cũng tương tự như cách các thầy tổ đã làm vào thời Đức Phật: Chúng ta lắng nghe Giáo Pháp (Dhamma), nhớ rõ những gì đã nghe, và sau đó xem xét ý nghĩa trong Giáo Pháp mà chúng ta đã học. Nếu có điều gì còn nghi ngờ hay không rõ, chúng ta hãy đặt câu hỏi, chúng ta suy nghĩ, chúng ta thảo luận. Chúng ta tập trung sự chánh niệm vào mọi khía cạnh và hoạt động của đời sống, dù là đang ngồi thiền hay đang sinh hoạt bên ngoài.

Ví dụ, khi một ý nghĩ khởi sinh, ta điều tra để biết liệu ý nghĩ đó là có lợi (thiện) hay có hại (bất thiện). Chúng ta tự hỏi như vầy: “Ý nghĩ này có làm tham và sân bớt đi hay tăng thêm trong ta? Nó có làm bớt hay thêm sự lầm lẫn [si] trong ta? Nó có làm cho ta và những người khác an lạc hay không?” Nếu chúng ta phát hiện ra rằng ý nghĩ đó làm tăng tham, sân, si, và làm mất đi sự bình an và hạnh phúc, thì chúng ta hỏi như vầy: “Ta phải làm gì để loại bỏ nó?” Ngược lại, nếu ta nhìn ra ý nghĩ đó là thiện lành, thì chúng hỏi: “Ta phải làm gì để duy trì nó? Chánh niệm của ta có đủ để làm không? Nếu không đủ, ta phải làm gì để tu dưỡng thêm nó?”

Chúng ta cũng dùng cách thức tương tự để điều tra những thứ trong những tập hợp uẩn khác, như cảm giác, nhận thức… Ví dụ, chúng ta thẩm vấn sâu vào những cảm giác với câu hỏi như vầy: “Ta có bị dính mắc vào cảm giác dễ chịu không? Ta có kháng cự những cảm giác khó chịu hay không? Đã bao nhiêu lần ta đã bị xao lãng bởi tham muốn những đối tượng dễ chịu, hay bởi sự ghét bỏ những đối tượng khó chịu?”

Chúng ta cũng điều tra xem ta hiểu biết những khái niệm căn bản của Giáo Pháp đến đâu, chẳng hạn như về tính vô thường. Chúng ta có thể hỏi như vầy: “Có phải ta nghĩ rằng thân này là của ta? Điều gì khiến ta nghĩ rằng thân là của ta? Ta có thấy biết được rằng tất cả mọi bộ phận và yếu tố tứ đại của thân là luôn luôn đang thay đổi?” Có lẽ chúng ta phát hiện ra rằng sự hiểu biết của chúng ta về vô thường là chưa thật rõ ràng. Chúng ta nghĩ rằng sự ngu si hay lầm lẫn này là lý do khiến chúng ta có cái ý niệm kiến chấp ‘Thân này là của ta’ và ý niệm này cứ liên tục quay lại trong tâm. Kết quả là, chúng ta phải hạ quyết tâm rằng: “Ta phải bỏ thêm nhiều thời gian để chánh niệm về sự vô thường của thân”.

Chúng ta cũng dò xét những hành động và thái độ hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nên hỏi như vầy: “Đã bao nhiêu lần ta nổi giận với những người chỉ ra lỗi lầm của ta? Bao nhiêu lần mình thích phê bình chỉ trích người khác? Đã bao nhiêu lần mình phí thời gian nói chuyện tầm phào hay cãi vã với người khác”. Nếu chúng ta nhận thấy rằng những hành động và thái độ của chúng ta là thiện lành, chúng ta tìm xem cách nào để duy trì chúng và củng cố chúng. Nếu chúng ta thấy rằng những hành động và thái độ của ta là chưa tốt lành và cần được cải thiện tốt hơn, thì chúng ta nên tìm ra cách để thay đổi chúng.

Như chúng ta đã thấy từ những ví dụ vừa mới đưa ra, công việc của chúng ta là bảo đảm rằng mình đã hiểu thấu về “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” và áp dụng sự hiểu biết này vào việc thiền và vào cuộc sống của chúng ta. Không ai có thể làm công việc lớn lao này thay cho ta được.

Không có ai bước đi giùm cho ta trên con đường đạo của ta. Không ai tu giùm ta được. Mỗi người phải tự tu hành và tự chứng ngộ cho mình! Chúng ta dùng sự chánh niệm và sự điều tra thông minh để kiểm chứng lại rằng những gì mình đang làm và tu tập là đúng hay không, rằng mình đang đi lùi đi lệch hay đang tu tiến tốt trên con đường dẫn đến mục tiêu giải thoát.

Chúng ta nên luôn áp dụng thái độ đúng đắn là “đến để thấy”. Chúng ta đến với Giáo Pháp để thấy lẽ thật và chân lý. Chẳng ai thỉnh mời ta điều tra Giáo Pháp. Chẳng có gì hoặc chỗ nào trong Giáo Pháp cần chúng ta điều tra cả. Và cũng chẳng có gì chúng ta có thể thấy bằng mắt thường.

Chỉ có (những) sự thật mà chúng ta luôn trải nghiệm suốt đời mới mời gọi sự chú tâm của chúng ta. Sự thật đó là Giáo Pháp. Nó mời gọi ta như vầy: “Nếu bạn muốn thoát khỏi mọi phiền não, thì hãy nhìn vào ta, nhìn vào sự thật”.

Cũng như trong một bài kinh nói về bản chất của Giáo Pháp, Phật đã dạy như vầy: “Giáo Pháp là dễ dàng nhìn thấy được, có hiệu lực tức thì, mời người đến để thấy, được chứng ngộ bởi những người có trí.”

3. Năng lượng tinh tấn

Khi chúng ta tiếp tục điều tra tìm hiểu về năm uẩn, chúng ta càng trở nên quan tâm ưa thích việc chúng ta làm. Sự quan tâm đó sẽ phát sinh năng lượng để giúp thêm nỗ lực cho tiến trình tìm hiểu. Chúng ta trải nghiệm sự nhiệt thành, cùng với quyết tâm không bao giờ từ bỏ hay thoái chí. Sự kết hợp chỗ này là yếu tố năng lượng tinh tấn.

Một ví dụ đơn giản minh họa về sự điều tra làm khởi sinh ra năng lượng như thế nào. Khi chúng ta quan sát bằng sự chánh niệm và chú tâm, mọi thứ chúng ta trải nghiệm đi theo quỹ đạo giống như đường đi của một hòn đá được quăng lên trời. Hòn đá lên cao tùy theo lực mà chúng ta quăng. Nhưng khi nó càng đi lên, lực nâng càng giảm, và vận tốc cũng chậm lại. Cuối cùng, chuyển động lên cũng dừng lại. Rồi hòn đá bắt đầu rơi xuống đất theo hướng ngược lại. Khi trải nghiệm như vầy, ta càng quan tâm kiểm chứng để thấy những cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và thức cũng khởi sinh, lên cao, và xuống, theo đường cong lên và xuống kiểu này. Chính sự quan tâm này khơi dậy quyết tâm chánh niệm mạnh mẽ hơn vào đối tượng, và vì thế năng lượng sẽ tự nhiên được phát huy thêm. Năng lượng, trở thành một yếu tố giúp giác ngộ, được phát huy vì động lực và nguyên nhân như vậy.

Khi chánh niệm kết hợp với năng lượng như một yếu tố giác ngộ, chúng ta càng phát huy thêm sự nỗ lực đúng đắn [chánh tinh tấn] để phòng hộ mình không bị dính tham, sân, si. Sự nỗ lực giúp ta phân biệt được những ý nghĩ và cảm giác nào là nên chào đón, và những ý nghĩ và cảm giác nào ta cần phải tránh bỏ. Khi những thúc giục có hại khởi sinh, chúng ta đóng cửa các giác quan để dập tắt chúng. Chúng ta dùng nỗ lực để thay thế chúng bằng những động lực thiện lành và có lợi như: lòng rộng lượng bố thí, tâm từ, và trí tuệ. Bởi vì năng lượng là được phát huy mà có, nên chúng ta cũng không ‘nhẹ tay’ lơ là, mà phải cương quyết. Chúng ta không để ‘rớt’ một chút phòng hộ (sáu căn) nào, cho dù trong một giây khắc. Như trong kinh Phật cũng nói rằng:

“Nhận biết được thân này rồi cũng hư nát giống như một bình gốm, và củng cố tâm này vững chắc như một thành trì, đánh dẹp hết [si mê] bằng lưỡi gươm trí tuệ.”

Trước khi trận chiến này được thắng lợi như vậy, ta phải luôn dùng nỗ lực để phòng hộ, bảo vệ, và duy trì những gì chúng ta đã tu tập được. Nhưng năng lượng ở đằng sau là (thuộc dạng) tĩnh lặng và tập trung chứ không phải là xung bốc. Chánh niệm đúng đắn, điều tra đúng đắn, và nỗ lực đúng đắn cùng làm việc với nhau như một đội tác chiến giỏi để làm trong sạch tâm. Chúng ta đã biết cuộc sống này thật ngắn ngủi… như một tia chớp, như một thoáng mây qua, nhưng vẫn có cơ hội để chúng ta giải thoát mình khỏi vòng sinh tử đầy sầu khổ và đau đớn này.

Khi còn là một vị Bồ tát, một vị Phật sẽ thành, Người đã hạ quyết tâm như vầy:

“Dù cho máu cạn, thịt khô, thân chỉ còn lại xương; ta sẽ không từ bỏ điều mà con người có thể chứng đạt được”.

Người tu nào cũng nhớ đến sự quyết tâm nỗ lực này của Đức Phật lịch sử.

4. Niềm hỷ lạc

Khi năng lượng là một yếu tố giác ngộ mạnh mẽ, thì niềm vui hỷ lạc khởi sinh như là một yếu tố được tạo ra nhờ vào sự thiền định thâm sâu. Những tầng thiền định sâu [jhana] mang chúng ta vượt lên trên, “hơn cả sự chánh niệm thông thường”. Về chi tiết những tầng thiền định, tôi đã giảng giải rõ trong quyển sách “Chánh Định giảng bằng ngôn ngữ thông thường”.

Khi chúng ta tu tiến qua các tầng thiền định từ thấp lên cao, thì năm chướng ngại đã bị tắt lịm và mười gông cùm đã bị vô hiệu hóa, và vì vậy càng giúp cho sự chánh định của ta mạnh mẽ hơn.

Khi chướng ngại “ác ý” được đối trị, việc thiền của ta trở thành niềm vui. Cảm xúc này làm thư giãn thân và tâm, tạo ra một cảm giác tĩnh lặng và an bình.

Khi sự chánh định càng thêm sâu sắc, chúng ta trải nghiệm năm cảm giác hỷ lạc tăng cao: Hỷ lạc nhỏ, hỷ lạc nhất thời, hỷ lạc như mưa rào, hỷ lạc nhấc bổng thân, và hỷ lạc bao trùm.

Niềm vui sướng hay hỷ lạc nhỏ có thể làm người ta vui sướng đến nỗi lông tóc dựng lên. Niềm hỷ lạc nhất thời giống như ánh chớp, sáng lên theo từng chập. Niềm hỷ lạc như mưa rào là niềm vui sướng tuôn trào từ trên xuống dưới và rồi mất đi, giống như nước vòi sen chúng ta tắm chảy xuống rồi mất đi. Niềm hỷ lạc nhấc bổng thân mạnh mẽ đến nỗi có thể làm, thực tế là vậy, nhấc bổng thân mình lên, làm người đó như sắp bay bổng. Một bài kinh có kể lại câu chuyện một cô gái trẻ chứng nghiệm một niệm hỷ lạc nâng người cô lên cao khi cô đang quán niệm về một đền thờ thánh tích. Nhờ có sự nâng người bay lên, cô gái đã có thể đi trên không đến đền thờ trước khi cha mẹ cô đi bộ đến đó! Cuối cùng, niềm hỷ lạc bao trùm là niềm hỷ lạc khoan khoái thấm nhuần toàn bộ thân mình.

Điều quan trọng nên nhớ: niềm hỷ lạc thiền sinh trải nghiệm ở các tầng thiền định là không giống với những cảm giác khoái lạc dễ chịu [lạc thọ] thông thường trong đời thường. Mặc dù niềm hỷ lạc nằm trong các tầng thiền định, nhưng nó chỉ trở thành một yếu tố giác ngộ khi nó là kết quả của sự phát triển ba yếu tố – chánh định, điều tra pháp và năng lượng tinh tấn vừa nói trên. Chánh niệm kết hợp với sự điều tra tìm hiểu sẽ chiếu ánh sáng vào những chỗ khuất tối của tâm. Năng lượng phát huy sự nỗ lực không mệt mỏi của ta để nhìn thấy được thực tại như nó là, loại bỏ thêm những cản trở khác để đi đến chứng đạt sự giác ngộ.

Khi những chướng ngại lắng xuống, một loại hỷ lạc khởi sinh trong tâm trở thành một yếu tố giác ngộ. Niềm hạnh phúc này là lâu dài bền vững hơn những niềm hỷ lạc ở những tầng thiền định ban đầu. Bởi vì niềm hỷ lạc này xuất phát từ sự hiểu biết, nó trở thành yếu tố giác ngộ và không bao giờ bị giảm đi, phai nhạt hay biến mất. Một khi ta đã đạt loại niềm hạnh phúc này, thì trạng thái đó là mãi mãi có trong ta!

(Ở đây, ý thiền sư muốn chỉ đến những niềm an lạc siêu thế của những tầng thiền siêu thế, tức không phải thuộc những tầng thiền định ban đầu, mà thuộc về những tầng thánh đạo và thánh quả sau khi nhập lưu đến A la hán.

Quyển “Chánh Định – giảng bằng ngôn ngữ thông thường” thể hiện rõ về chỗ này.)

5. Sự tĩnh lặng

Khi niềm vui hỷ lạc như một yếu tố giác ngộ được phát triển và hoàn thiện, yếu tố tĩnh lặng sẽ khởi sinh. Tĩnh lặng là một trạng thái tâm trong đó tâm và thân được tĩnh lặng, thư giãn, và bình an. Tất cả mọi phần trong ta đều ổn định, yên tịnh, và tĩnh lặng. Tham dục, bất mãn, và si mê (tham, sân, si) đều biến mất. Chúng ta cảm thấy mãn nguyện, an toàn, và an tâm. Chúng ta không cảm giác muốn cử động thân nữa. Chúng ta cũng không còn cảm thấy đói, khát, mệt mỏi, chán chường, hay lười biếng nữa. Không còn gì ‘động’ nữa. Mọi thứ đều êm đềm và hoàn mãn. Mặc dù ta chưa đạt được đến mục tiêu cuối cùng của việc tu hành, nhưng lúc này, ta hưởng thụ được sự bình an và hạnh phúc sâu sắc.

6. Chánh định

Trong trạng thái hỷ lạc và tĩnh lặng, chánh định trở nên mạnh mẽ hơn và tập trung hơn một cách dễ nhận thấy.

Trong những giai đoạn đầu của thiền chánh niệm, chánh định vẫn còn chưa ổn định. Những lúc đạt định thì rõ ràng vẫn còn bị xen kẽ bởi những lúc chúng phải ý thức về những đối thoại bên trong tâm, và những âm thanh, mùi hương, và những cảm tưởng giác quan khác. Đó là những sự xao lãng. Càng về sau, những xao lãng này càng lặn bớt, và chúng ta có thể tập trung riêng vào hơi thở [hay đối tượng thiền khác] được lâu hơn và lâu hơn. Khả năng thiền định được cải thiện hơn để tập trung và gần tiếp cận được tầng thiền định. Lúc này chúng ta gọi sự chánh định là định tiếp cận hay “cận định”. Nó đánh dấu đường biên giữa trạng thái thiền định bình thường và trạng thái các tầng thiền định [jhana] thâm sâu.

Khi chúng ta tu tiến qua các tầng thiền định, chánh định trở thành một yếu tố giác ngộ. Dùng sự chánh định này như là một công cụ hùng mạnh, chúng ta hướng tâm, như một tia sáng laser, soi rọi vào năm tập hợp uẩn. Sự chánh định xuyên thủng vào và vạch trần ba tính chất phổ quát của tất cả mọi hiện tượng có điều kiện [mọi pháp hữu vi]:

Đó là tính chất “luôn luôn thay đổi [vô thường], bất toại nguyện [khổ], hoàn toàn không có một cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ nào cả [vô ngã]”. Ba đặc tính này lúc này không còn nằm trên lý thuyết nữa. Chúng ta nhận biết chúng như là những lẽ thật không thể chối cãi. Đó là những chân lý.

Trong trạng thái tầng thiền định, chánh niệm và chánh định hợp tác với nhau để phá tan những rào cản để đạt đến sự giác ngộ.

7. Sự buông xả

Sự buông xả giống như là điểm cân bằng ở giữa cái cân dĩa truyền thống. Một bên chúng ta đặt bị gạo. Một bên chúng ta đặt cục sắt khối lượng. Chúng ta điều chỉnh, thêm bớt số lượng gạo cho đến khi nào hai bên bằng nhau. Khi hai bên đã cân bằng, chúng ta biết chính xác khối lượng theo cục sắt định khối lượng. Điểm cân bằng này chính là sự buông xả. Về mặt thực hành thiền, khi đang trong trạng thái những tầng thiền định chúng ta dùng sự buông xả như một cái cân để tinh chỉnh sự tu dưỡng những yếu tố giác ngộ đó – sao cho chúng cân bằng với nhau. Nếu chúng ta nhận thấy tâm mình chậm chạp, lười biếng, chúng ta cần phải tăng cường sự chánh niệm và tăng cường sự điều tra các hiện tượng thân tâm để làm khơi dậy năng lượng tinh tấn, và lấy lại sự cân bằng. Nếu nhận thấy tâm mình đang bị quá khích và ‘động’, chúng ta tập trung tăng cường thêm các yếu tố hỷ lạc, sự tĩnh lặng, và chánh định để chúng ta được tĩnh lặng và ‘an’ tịnh hơn.

Hãy ghi nhớ và phân biệt rằng: sự buông xả chúng ta trải nghiệm ở trạng thái các tầng thiền định là khác với loại tâm buông xả bình thường khi chúng ta dùng chánh niệm để cân bằng những cảm giác dễ chịu và khó chịu, hay có lợi và có hại. Loại buông xả cảm giác, như đã nói trong Chương “Chánh niệm về cảm giác”, có thể gọi trong tiếng Việt là “sự bình tâm trước những sự khác biệt về cảm nhận đối với những đối tượng giác quan khác nhau”.

Bạn cần phân biệt được hai loại tâm xả (hai sự buông xả) khác nhau:

Thứ nhất, sự buông xả đó dựa vào những đối tượng giác quan như: những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, và những chạm xúc – thì được gọi là “sự buông xả dựa trên sự khác biệt”, tức là sự (chánh niệm) làm sao cho tâm được quân bình, hay bình tâm.

Thứ hai, còn khi bước vào trạng thái những tầng thiền định cao sâu [Tứ thiền], thì sự buông xả phát sinh như là một yếu tố giác ngộ thì được gọi là “sự buông xả dựa trên sự hợp nhất”, bởi vì nó khởi sinh hoàn toàn dựa vào sự hợp nhất [trạng thái tâm nhất điểm] của chánh định, chứ không còn dựa trên những đối tượng của sáu giác quan như trước kia.
(Nói thêm: Trong quá trình tu hành, loại tâm xả thứ nhất chỉ có mặt từ bất cứ lúc nào cho đến trước khi người tu chứng đắc tầng thiền định Tứ Thiền. Sau khi bước vào Tứ thiền và những tầng thiền định cao sâu hơn, thì loại tâm xả thứ nhất biến mất (vì lúc này tâm không còn cảm nhận những đối tượng giác quan, nên tâm xả bình thường không còn dựa trên đối tượng giác quan nữa), và khởi sinh loại tâm xả thứ hai (dựa vào tâm hợp nhất chánh định). Tâm buông xả ở Tứ thiền lúc này cũng chính là một yếu tố chiếm ngự nhất trong các yếu tố của jhana Tứ Thiền; nó giúp cho jhana Tứ Thiền trở thành bệ phóng hùng mạnh khi kết hợp với chánh niệm tinh khiết lúc này, giúp thiền sinh thực hiện thiền minh sát dẫn đến mục tiêu “thấy biết” ([Giác ngộ] của công cuộc tu thiền của mình).

Ở những giai đoạn tiến bộ về sau của con đường đạo, tất cả mọi thành phần của thân và tâm – tức là năm tập hợp uẩn của quá khứ, hiện tại, và tương lai – đều giống nhau một cách chính xác. Không còn những điều tốt, xấu, hay trung tính. Đơn giản tất cả chỉ là thực tại, vô thường, bất toại nguyện (khổ), và vô ngã. Trong trạng thái cân bằng hoàn hảo này, kinh Phật diễn tả rằng: “Sự dính chấp vào những thứ vật chất của thế gian chấm dứt tuyệt đối, không còn một chút tàn dư.”

Những điểm chính để phát triển “Chánh Định”

Sự chánh định phát sinh ở những tầng thiền định [jhana] như một yếu tố giác ngộ thì phát triển ngoài (và vượt trên) sự chánh định thông thường mà bạn đã tu tập vào thời mới bước vào tu. Chánh định giống như cơ bắp, nó chỉ chắc mạnh khi chúng ta tập luyện chuyên cần. Sau đây là những cách tạo lập sự chánh định để hỗ trợ cho từng bước trong tiến trình tu/thực hành thiền chánh niệm của mình:

► Đầu tiên phải chắc chắn rằng sự định tâm của bạn là sự chánh định, là thiện lành và không có chướng ngại như tham, sân, si. Ví dụ, việc định tâm vì tham vọng chứng đắc những trạng thái siêu phàm hay năng lực thần thông để có thể phi thân đây đó là không lành mạnh, đó thuộc loại tà định.

► Dùng nỗ lực đúng đắn [chánh tinh tấn] để dẹp bỏ qua một bên những cảm giác và ý nghĩ về những lo toan của cuộc sống đời thường. Nhắc nhớ rằng cuộc đời là ngắn ngủi như một tia chớp. Quyết tâm dùng phương pháp tu thiền để giải thoát mình khỏi vòng sinh tử đầy khổ đau.

► Tập trung tâm vào đối tượng thiền đã chọn, như là: hơi thở, những tư thế, những bộ phận của thân, bốn yếu tố tứ đại, ba dạng cảm giác, năm chướng ngại, và mười gông cùm.

► Giữ tâm có mặt trong khoảng khắc hiện tại. Dùng sự nỗ lực miên mật, liên tục, để chú tâm vào đối tượng đã chọn. Nếu bạn nhận thấy tâm của bạn lăng xăng khỏi đối tượng, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát kéo nó về lại đối tượng.

► Nhiệt thành và tỉnh thức. Nếu bạn thấy tâm bị chậm chạp hay buồn ngủ, dùng nỗ lực để khơi dậy sự nhiệt tình. Nếu bạn thấy tâm mình bị quá khích hay chạy nhảy, chú tâm vào hơi thở cho đến khi nó tĩnh lặng lại.

► Đặc biệt luôn tỉnh thức đối với mỗi trong năm chướng ngại – tham dục, sân giận, bất an và lo lắng, lười biếng và đờ đẫn, và nghi ngờ. Nếu chướng ngại nào có mặt, hãy tu tập bằng tâm đối trị với nó. Ví dụ, đối trị tham lam bằng lòng rộng lượng bố thí, đối trị sân giận bằng những ý nghĩ tâm từ. Khi chướng ngại không còn, chú tâm trở lại đối tượng thiền chính.

► Mục tiêu của bạn là dùng chánh định như một công cụ hùng mạnh để xuyên thủng và vạch trần bản chất phổ quát của mọi trải nghiệm: bản chất luôn luôn thay đổi [vô thường], bản chất bất toại nguyện của tất cả pháp hữu vi trên đời [khổ], và sự không có một cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ đang nếm trải về bất kỳ điều gì ở đây [vô ngã].

► Khi sự chánh định của ta càng thâm sâu, tâm dần dần mất đi sự tham thích và quan tâm đến những thứ khác, và nó có thể tập trung vào đối tượng thiền lâu hơn và lâu hơn.

► Vào lúc này, bạn không nên điều tra, tìm hiểu những chi tiết của sự trải nghiệm. Chỉ đơn thuần chú tâm một cách chánh niệm vào đối tượng thiền chính đã chọn.

► Mỗi lần bạn thực hành sự chánh định lành mạnh, bạn dễ dàng duy trì sự chú tâm vào mục tiêu. Dù bạn chỉ có thể tập trung (định) tâm chỉ trong chốc lát, nhưng bạn sẽ luôn luôn thấy vui mừng hạnh phúc về điều bạn làm được. Khi hai cái hợp tác cùng nhau như một đội, chánh niệm và chánh định làm trong sạch tâm và giúp giữ cho những chướng ngại luôn bị trấn áp.

► Chánh định giúp bạn đạt được sự trải nghiệm đầu đời về lẽ thật hay chân lý trong thông điệp của Đức Phật. Chính điều này làm động lực để bạn phát triển những trạng thái thiền định sâu sắc hơn nhằm giúp bạn chứng ngộ những trí tuệ thâm sâu hơn.

Thiền Sư Henepola Gunaratana
Việt dịch: Lê Kim Kha
Trích: Bốn nền tảng chánh niệm – Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016