CHIA SẺ

Triết học Phật giáo dạy rằng, chỉ có sự quán chiếu nội tâm mới có thể chứng đắc Phật quả. Nhưng thiết kế kiến trúc nơi tôn nghiêm cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự an bình nội tâm và trạng thái tâm thức.

Đó là lý do mà Đạo sư Thrangu Rinpoche đã phát biểu trong buổi họp báo hôm thứ sáu (23-7) rằng, thật là rất ý nghĩa khi thành phố Richmond trở thành địa điểm tọa lạc của ngôi tu viện được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống Phật giáo Tây Tạng đầu tiên ở Canada.

Thông qua người phiên dịch, Đạo sư Thrangu Rinpoche, lãnh đạo hệ thống các tu viện Thrangu trên khắp thế giới cho biết: “Kiến trúc của tu viện này, như quý vị đã thấy, nó giúp chúng ta có lòng từ bi và tâm thiện. Nó sẽ giúp chúng ta cảm thấy an lạc và là phương tiện rất hữu ích cho những ai thực hành thiền Phật giáo. Nó có khả năng khiến cho mọi người cảm thấy an bình và hạnh phúc.”

Tu viện là sự phối kết hợp hài hòa các yếu tố Phật giáo Tây Tạng với Ấn Độ cổ xưa, Đạo sư Thrangu Rinpoche nói. Chính điện sơn chủ yếu màu đỏ và vàng. 6 cột trụ được trang trí hoa văn từ dưới lên tới giáp 12 bức mạn-đà-la đã được vẽ trên trần chính điện. Hai bên tường nội điện, 1000 tượng Phật nhỏ màu vàng nhìn ra ngoài từ các hộp kiếng riêng lẻ. Sát cửa chính của chính điện là 200 tôn tượng Phật A-di-đà, nhân vật chính trong vài tông phái Phật giáo. Ngự bên trong chính điện là tôn tượng Đức Phật Thích Ca cao 4 mét, cùng với vô số phẩm vật cúng dường quý giá như kinh điển, đá quý, ngọc của 108 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hồng Kong, Ấn Độ, Tây Tạng, Sri Lanka và Canada. Chính điện có sức chứa trên 500 người.

Tu viện truyền thống Phật giáo Tây Tạng đầu tiên tại Canada

Đạo sư Thrangu Rinpoche cũng không quên nhắc đến sự kiện tu viện tọa lạc tại số 8140, 5 Rd, khu Richmond, gần đền thờ Hồi giáo và nhà thờ Thiên chúa giáo. Ngài nói: “Đây là một tấm gương điển hình về cách thức mà tất cả các tôn giáo trên thế giới cùng chung sống với nhau thực sự. Đó lý do tại sao chúng tôi rất may mắn có được cơ duyên xây dựng tu viện này trong đất nước Canada nói chung và Richmond nói riêng.”

Ông Lyle Weinstein, phát ngôn nhân tiếng Anh cho Tu viện Thrangu ở Canada nói, tôn tạo tu viện ở vùng Tây-Bắc Thái Bình Dương này đã có đủ phương tiện hiện đại như Internet. “Chúng tôi có thể phổ biến các sự kiện trên internet để những ai không thể có mặt ở đây có thể đích thân tham dự các khóa tuyệt vời ở đây,” ông Weinstein nói.

Đây là tu viện Thrangu đầu tiên ở ngoài Châu Á. Tu viện sẽ là nơi tu hành của 7 vị Lạt-ma. Tu viện Thrangu đầu tiên được xây dựng tại Kham, Tây Tạng vào cuối thế kỷ 15. Đại lễ khánh thành tụ viện đã chính thức cử hành lúc 10 giờ sáng chủ nhật (25-7). Sau lễ cắt băng khánh thành, đại diện tu viện và các quan chức chính quyền sở tại đã phát biểu lời chào mừng. Lạt-ma Thrangu Rinpoche đã có thời pháp thoại trước khi cử hành lễ an vị Phật.

Thích Minh Trí (theo Vancouver Sun)

CHIA SẺ
Bài viết trướcNghiệp, nhân và quả
Bài kếCái gương